1. Văn nghị luận xã hội là gì?
Trước khi đi đến cách làm bài văn nghị luận xã hội, chúng ta cùng tìm hiểu khái niệm này.
Theo định nghĩa, văn nghị luận xã hội là những bài văn bàn về xã hội, chính trị, đời sống nói chung. Do đó, đề bài của dạng văn này rất rộng. Cụ thể, nó bao gồm cả những vấn đề tư tưởng, đạo lý cho đến lối sống. Ngoài ra, một đề văn nghị luận xã hội đôi khi đề cập những câu chuyện nổi bật trong cuộc sống hằng ngày. Hoặc có thể yêu cầu viết về vấn đề thiên nhiên, vấn đề toàn quốc, toàn cầu…
Hiểu đơn giản hơn, văn nghị luận xã hội là dạng văn yêu cầu viết về vấn đề xã hội. Nó khác với văn nghị luận văn học, chỉ viết về tác phẩm, nhà văn… Theo các nhà giáo ưu tú chia sẻ, để viết văn nghị luận xã hội tốt, học sinh cần rèn luyện 2 kỹ năng: chứng minh và giải thích.
Hiện nay, đề văn nghị luận xã hội rất phổ biến. Đây cũng là cách mà các trường, cơ sở giáo dục nói chung đưa ra để kiểm tra kỹ năng sống, vốn sống, mức độ hiểu biết của học sinh. Do đó, yêu cầu người học bên cạnh đọc sách giáo khoa thì cũng cần biết báo chí, đọc tin tức, theo dõi đời sống hằng ngày.
2. Cách làm các dạng đề văn nghị luận xã hội
Dựa vào khái niệm nêu ở phần 1, chúng ta có thể chia văn nghị luận xã hội thành nhiều dạng đề. Tuy nhiên, tựu trung thì có một số dạng đề cơ bản như sau.
2.1. Văn nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống
- Hiện tượng có tác động tích cực đến suy nghĩ (tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo, một câu chuyện đẹp…)
- Hiện tượng có tác động tiêu cực (bạo lực học đường, tai nạn giao thông, tham nhũng…).
- Nghị luận về một mẩu tin tức báo chí (hình thức cho một đoạn trích, mẩu tin trên báo…).
Lưu ý với học sinh: Trong 3 loại trên thì hiện nay văn nghị luận xã hội từ một mẩu tin tức báo chí đang phổ biến hơn cả.
2.2. Văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý
- Tư tưởng mang tính nhân văn, đạo đức (lòng dũng cảm, khoan dung, ý chí nghị lực…).
- Tư tưởng phản nhân văn (ích kỷ, vô cảm, thù hận, dối trá…).
- Văn nghị luận xã hội về hai mặt tốt xấu trong một vấn đề.
- Văn nghị luận xã hội về vấn đề có tính chất bàn luận, trao đổi.
- Văn nghị luận xã hội đặt ra trong mẩu truyện nhỏ hoặc đoạn thơ.
3. Hướng dẫn các bước làm bài văn nghị luận xã hội
Trong cách làm bài văn nghị luận xã hội thì 2 yêu cầu chứng minh và giải thích rất quan trọng. Do đó, loại văn này thường ít có “cảm xúc dào dạt”, thay vào đó là sự cô động, rõ ràng, rành mạch. Để làm tốt bài văn nghị luận xã hội người học cần thực hiện như các bước hướng dẫn sau.
3.1. Đọc kỹ đề khi làm bài văn nghị luận xã hội
- Muốn làm tốt văn nghị luận xã hội trước hết phải đọc thật kỹ đề bài.
- Đọc kỹ để biết yêu cầu của đề, phân biệt được tư tưởng đạo lý hay hiện tượng đời sống.
- Hướng dẫn phương pháp: Đọc kỹ, gạch chân những cụm từ quan trọng. Từ đó để định hướng luận cứ toàn bài.
3.2. Cách lập dàn ý làm bài văn nghị luận xã hội
- Lập dàn ý giúp bài văn chặt chẽ, logic hơn.
- Lập dàn ý (ngoài giấy nháp) giúp hệ thống các ý, khi viết sẽ mạch lạc, dễ hiểu (cho người viết và người chấm bài).
- Chủ động được lượng từ cần viết. Tránh được “bệnh” lan man, dài dòng.
3.3. Dẫn chứng phù hợp trong cách làm bài văn nghị luận xã hội
Trong cách làm bài văn nghị luận xã hội thì luôn cần dẫn chứng. Do đó người học cần lưu ý như sau.
- Không lấy những dẫn chứng chung chung (không có người, nội dung, sự việc cụ thể).
- Dẫn chứng cần người thật, việc thật, sách nào, tờ báo nào, thời gian nào…
- Đưa dẫn chứng phải thật khéo léo và phù hợp (tuyệt đối không kể lể dài dòng).
3.4. Cách làm bài văn nghị luận xã hội chặt chẽ, súc tích
Bài văn nghị luận xã hội phải chặt chẽ, cô động nhất có thể. Cụ thể phải đảm bảo 4 yếu tố sau.
- Lời văn, câu văn, đoạn văn viết phải cô đúc, ngắn gọn.
- Lập luận phải chặt chẽ. Câu trước câu sau không chọi ý nhau.
- Cảm xúc trong sáng, lành mạnh. Không nói cảm xúc như nghị luận văn học.
- Tạo lối viết song song (có khen, có chê, có đồng ý, có phản biện). Tránh viết kiểu “buông xuôi”, ngợi ca quá mức.
3.5. Bài học nhận thức và hành động cần có trong văn nghị luận xã hội
Trong cách làm bài văn nghị luận xã hội, yêu cầu cần nhất chính là rút ra bài học gì cho bản thân. Do đó, người viết cần có:
- Sau khi giải thích, chứng minh thì cần chốt lại mình học được điều gì.
- Thông thường bài học phải là những bài học tốt, hướng đến cách sống tử tế hơn.
3.6. Độ dài văn nghị luận xã hội cần phù hợp với yêu cầu
Thông thường khi ra đề sẽ có thêm phần yêu cầu bài viết bao nhiêu chữ. Người viết cần tuân thủ đúng yêu cầu này. Tránh viết quá dài, hoặc quá ngắn đều dẫn đến kết quả điểm không cao.
4. Hướng dẫn cách làm bài văn nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý
Bài văn nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý thường được chọn đề ra đề trong nhiều kỳ thi. Dưới đây là hướng dẫn cách làm bài văn nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý đúng chuẩn nhất.
4.1. Cách mở bài văn nghị luận xã hội
- Giới thiệu khái quát tư tưởng, đạo lý cần viết.
- Nêu ý chính hoặc câu nói về tư tưởng, đạo lý mà đề bài đưa ra. Điều này có trong phần gạch chân những câu, từ quan trọng ở đề thi.
4.2. Cách làm thân bài văn nghị luận xã hội
Cách làm bài văn nghị luận xã hội ở phần thân bài cần có những luận điểm sau.
Luận điểm 1: Giải thích yêu cầu đề
- Cần giải thích rõ nội dung tư tưởng đạo lý.
- Giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng.
- Rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý; quan điểm của tác giả qua câu nói trong đề thi.
Luận điểm 2: Phân tích và chứng minh
- Các mặt đúng của tư tưởng, đạo lý.
- Dùng dẫn chứng xảy ra cuộc sống xã hội để chứng minh.
- Từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội.
Luận điểm 3: Bình luận mở rộng vấn đề
- Phản biện những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng, đạo lý.
- Dẫn chứng minh họa (nên lấy những câu chuyện trong sách, cuộc sống mà nổi bật nhất).
- Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
4.3. Cách viết kết bài văn nghị luận xã hội
- Nêu khái quát đánh giá ý nghĩa tư tưởng đạo lý đã viết.
- Mở ra hướng suy nghĩ mới về vấn đề đó.
Ở trên là cách làm bài văn nghị luận xã hội cơ bản nhất mà mỗi người học cần biết. Ngoài sườn bài này, người học cần nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng viết bằng cách đọc sách, báo chí nhiều hơn. Việc có một vốn sống tốt sẽ giúp người học viết văn nghị luận xã hội trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Đức Lộc