Trong chương trình Ngữ văn lớp 9, cách làm bài văn tự sự là thể loại chiếm thời lượng nhiều nhất. Muốn viết được một số bài văn tự sự lớp 9 hay trước hết học sinh cần phải nắm rõ phương pháp làm bài. Từ đó biết cách dẫn dắt câu chuyện của mình sao cho mạch lạc, trôi chảy và cảm xúc nhất. Để giành được điểm cao khi làm văn lớp 9 thi hk1, hk2 và chuyển cấp sắp tới, các bạn hãy cùng ôn lại các bước làm bài văn tự sự lớp 9 dưới đây.
1. Tự sự là gì?
Tự sự là một chuỗi các sự việc. Sự việc này nối tiếp sự việc kia. Cuối cùng dẫn đến một kết thúc có ý nghĩa. Tự sự giúp người kể giải thích sự việc, tìm hiểu con người. Nêu vấn đề và bày tỏ thái độ khen chê. Học sinh phải phân biệt được sự khác nhau giữa tự sự với miêu tả và biểu cảm là gì.
Tự sự khác với miêu tả ở chỗ nó không tả tỉ mỉ, chi tiết theo chủ quan của người kể. (Không nhằm mục đích làm cho người đọc cảm thấy mà chủ yếu là làm cho họ nắm được). Đối với văn bản biểu cảm tự sự khác ở chỗ trình bày sự việc một cách khách quan, theo trình tự, lớp lang, không bộc lộ trực tiếp tình cảm riêng của người kể. (Mặc dù có tỏ thái độ khen, chê). Bản chất khác biệt lớn nhất của tự sự với biểu cảm, miêu tả chính là chuỗi các sự việc.
2. Cách làm dàn ý bài văn tự sự lớp 9 hay
Để làm một bài văn tự sự hay cần phải được tiến hành theo quy trình gồm 4 bước: Tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý, viết bài và sửa bài. Sau khi tìm hiểu đề làm bài văn tự sự, tìm được ý cho bài viết, việc lập dàn ý là vô cùng quan trọng. Dàn ý bài văn tự sự lớp 9 cũng được làm theo bố cục 3 phần (mở bài, thân bài và kết bài). Khi tiến hành viết bài theo dàn ý, bạn có thể bổ sung, thêm bớt ý cho dàn bài hoàn chỉnh. Cuối cùng là sửa lại bài viết bằng cách đọc lại, sửa các lỗi chính tả và ngữ pháp.
2.1. Cách xác định thể loại, tìm sự việc khi làm bài văn tự sự lớp 9
Không phải kể chuyện nào cũng giống nhau mà có rất nhiều hình thức tự sự khác nhau. Ví dụ, với yêu cầu của đề bài là: “Em hãy kể lại chuyện Tấm Cám” hoặc truyện “Con Rồng cháu Tiên” tức là học sinh sẽ kể lại những câu chuyện có sẵn. Học sinh sẽ tìm những sự việc đã xuất hiện trong tác phẩm và chính những sự việc đó sẽ giúp học sinh tóm tắt một tác phẩm. Đây là loại thứ nhất, cũng là loại dễ nhất trong cách làm bài văn tự sự lớp 9.
Loại thứ hai với mức độ cao hơn, đó là kể lại những chuyện không có sẵn. Ví dụ, đề bài yêu cầu: “Em hãy kể về ông em”, “Em hãy kể về một công việc thường ngày của em” hoặc “Em hãy kể về cuộc gặp gỡ của em với một nhân vật tưởng tượng”, “Kể về em trong tương lai”… Với những câu chuyện không có sẵn, học sinh phải thiết kế những sự việc và những sự việc đó phải là những sự việc có vấn đề. Thậm chí có thể bộc lộ được tư tưởng, tình cảm và suy nghĩ của người viết.
Ví dụ: Khi kể về cuộc gặp gỡ giữa em và người lính lái xe trong bài thơ “Tiểu đội xe không kính”, học sinh phải gặp đối tượng trong một tình huống có vấn đề. Có thể đó là cuộc gặp gỡ trong bảo tàng, khi người lính ấy đang lau những giọt nước mắt của mình lúc nhìn hình ảnh những động đội tươi cười bên một chiếc xe không kính. Sự việc đó sẽ khơi nguồn cảm xúc để người viết đi vào câu chuyện theo hướng xúc động.
2.2. Cách sắp xếp các sự việc theo một trình tự nhất định khi làm bài văn tự sự lớp 9
Sự việc trong văn tự sự cần được trình bày một cách cụ thể: xảy ra vào thời gian nào, địa điểm ở đâu, có những nhân vật nào tham gia, nguyên nhân xảy ra sự việc, diễn biến, kết quả. Việc sắp xếp các sự việc theo một trình tự rất quan trọng. Bởi đôi khi học sinh viết rất tùy hứng, trình tự nào cũng được. Tuy nhiên, đã là một câu chuyện thì phải theo đúng trình tự.
Có 3 trình tự sắp xếp sự việc thường gặp. Đó là: Trình tự thời gian, trình tự không gian và đảo lộn trình tự thời gian. Đối với các sự việc theo trình tự thời gian, sự việc gì diễn ra trước kể trước, sự việc gì diễn ra sau kể sau. Đó là những câu chuyện mang màu sắc cổ tích và đời thường. Theo thực thế trình tự thời gian có thể gây nhàm chán cho bài viết. Học sinh có thể sắp xếp câu chuyện theo trình tự không gian từ xa đến gần. Nếu khéo léo hơn, người viết còn có thể đảo lộn trình tự thời gian.
Một ví dụ minh chứng cho việc đảo lộn thời gian rất hay đó là tác phẩm “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Trong tác phẩm, từ cuộc gặp gỡ người con đã tưởng thành của đồng đội tác giả đã kể lại những câu chuyện trong quá khứ sau đó lại quay trở về hiện thực.
Khi sắp xếp các sự việc, bạn phải cố gắng xác định được sự việc nào sẽ là tình huống truyện. Vì tình huống truyện là một lát cắt. Qua đó tính cách, số phận cũng như hoàn cảnh nhân vật được nổi rõ. Chính vì thế học sinh nên cố gắng tìm cho mình một tình huống quan trọng. Đem xây dựng nó thành tình huống truyện, có như thế bài văn tự sự mới nổi bật.
2.3. Cách tìm nhân vật cho câu chuyện khi làm bài văn tự sự lớp 9
Nhân vật trong văn tự sự là người thực hiện các sự việc được kể trong văn bản. Nhân vật được thể hiện ở các mặt: tên gọi, lai lịch, tính nết hình dáng, việc làm,…đặc biệt là trong mối quan hệ với nhân vật khác.
Trong bài văn tự sự, gồm có hai tuyến nhân vật. Gồm nhân vật chính và nhân vật phụ, học sinh cần xác định cho đúng. Nhân vật chính đóng vai trò chủ yếu trong việc thể hiện tư tưởng của văn bản. Nhân vật phụ giúp cho nhân vật chính và làm rõ nhân vật chính. Chính các nhân vật này sẽ giúp làm nổi bật được ý đồ nghệ thuật của bài văn, hướng đến vấn đề cần nghị luận mà đề văn yêu cầu.
Ví dụ, bài văn tự sự “kể về ông của em”, nhân vật chính sẽ là người ông. Nhưng một câu chuyện chỉ có mình nhân vật người ông thì sẽ không còn hấp dẫn. Người viết nên xây dựng một hệ thống nhân vật phụ xung quanh. Mục đích là để làm nổi bật tính cách, tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của nhân vật chính. Và những nhân vật phụ đó có thể được gọi tên hoặc không. Tuy nhiên đối với một nhân vật phải lưu ý đến các yếu tố:
- Xuất thân: Giới thiệu hoặc kể một câu chuyện làm nổi bật xuất thân của người ông.
- Ngoại hình: Không nên nhầm lẫn giữa ngoại hình kể với ngoại hình tả.
- Hành động, tính cách, số phận, đối thoại, độc thoại.
2.4. Cách chọn ngôi kể trong bài văn tự sự lớp 9
Chọn ngôi kể thứ nhất hay ngôi thứ ba phụ thuộc vào hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là theo yêu cầu của đề bài. Ví dụ: “Em hãy đóng vai nhân vật Lang Liêu kể lại…” thì học sinh phải kể theo ngôi thứ nhất. Nếu đề bài không yêu cầu, học sinh vẫn có quyền lựa chọn ngôi kể.
Ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện xưng “tôi”, kể lại câu chuyện mình tham gia hay chứng kiến. Ngôi kể thứ ba, người kể chuyện như tự giấu mình, chỉ gọi nhân vật bằng tên của chúng.
Cũng có sự kết hợp giữa ngôi kể thứ nhất với ngôi kể thứ ba theo cách chuyển đổi hoặc thêm ngôi kể. Hoặc kể theo ngôi thứ ba nhưng lại thông qua điểm nhìn, cách suy nghĩ của một nhân vật nào đó. Hoặc ngôi kể là chúng tôi, nhưng thực chất chỉ là một trong số các nhân vật.
Việc lựa chọn ngôi kể phù hợp trong văn tự sự rất quan trọng. Tuỳ thuộc vào năng lực và ý thích, thói quen của người tạo lập văn bản. Ngôi thứ nhất sẽ tạo nên màu sắc chủ quan. Còn ngôi kể thứ 3 sẽ tạo nên màu sắc khách quan và dễ bình luận hơn.
2.5. Cách kết hợp tự sự với các phương thức biểu đạt khác
Nếu tự sự chỉ đơn thuần là tự sự thì nghĩa là học sinh chỉ đang xây dựng cốt truyện. Nếu chỉ là cốt truyện thì sẽ rất khô khan, nhàm chán và không thu hút người đọc. Vì vậy, trong bài văn tự sự, người viết cần phải biết kết hợp linh hoạt với nhiều phương thức. Văn tự sự kết hợp miêu tả lớp 9, hoặc kết hợp với phương thức biểu cảm… để bài văn thêm sinh động và hấp dẫn hơn.
2.6. Cách lựa chọn từ ngữ khi làm bài văn tự sự lớp 9
Tiếng Việt rất đa dạng, từ ngữ trong tiếng Việt cũng vô cùng phong phú. Ví dụ từ “vợ” gọi một cách tôn trọng là “phu nhân”, gọi tình cảm thì sử dụng “mình ơi”…. Hoặc từ “chết” nói một cách trang trọng là “hi sinh”. Thể hiện sự tiếc nuối thì sử dụng từ “khuất núi”.
Có thể thấy, việc lựa chọn từ ngữ trong những cuộc đối thoại, độc thoại của nhân vật là vô cùng quan trọng. Ngoại hình, hành động, tính cách,… của nhân vật sẽ được thể hiện sâu sắc hơn khi chúng ta biết lựa chọn từ ngữ một cách sinh động. Nhất là khi thể hiện được độc thoại và đối thoại của nhân vật.
Thông qua những phân tích trên đây hi vọng các bạn học sinh đã phần nào hệ thống được cách làm bài văn tự sự lớp 9 như thế nào cho hay. Hãy kết hợp giữa kiến thức và thường xuyên rèn luyện kỹ năng viết để bài văn thêm trau chuốt hơn, ấn tượng hơn. Chúc các bạn giành được điểm cao khi làm bài văn tự sự nhé.
Hồng Ngọc