1. Nguồn gốc ra đời và ý nghĩa của bánh khúc cây Giáng sinh
Trước khi tìm hiểu về cách làm bánh khúc cây Giáng sinh, chúng ta hãy cùng nhau tham khảo thêm về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của loại bánh này nhé. Bánh khúc cây (hay còn gọi là Bûche de Noël, Christmas Log hay Yule Log) là một trong những loại bánh phổ biến vào dịp Giáng sinh.
Bánh được ra đời đầu tiên vào năm 1905 của Joseph Fabre ở nước Pháp, liên quan đến tục lệ đốt khúc cây để chào đón mặt trời của người cổ đại. Trải qua nhiều biến chuyển, hiện nay bánh khúc cây đã trở nên phổ biến ở khắp mọi nơi trên thế giới. Người ta coi việc ăn bánh khúc cây vào dịp Giáng sinh để xua tan điềm dữ và đem lại sự may mắn, an lành cho gia đình trong năm mới.
Thay vì đến tiệm chọn một chiếc bánh kem làm sẵn, Giáng sinh năm nay bạn hãy thử bắt tay làm chiếc bánh khúc cây của riêng mình. Đừng lo, sẽ không tốn quá nhiều thời gian của bạn đâu. Chỉ cần một chút tâm huyết là bạn đã có thể tự tay tạo ra những chiếc bánh khúc cây Giáng sinh thơm ngon hấp dẫn để chiêu đãi gia đình, bạn bè rồi.
2. Cách làm bánh khúc cây Giáng sinh
Để dễ cho các bạn hình dung từng công đoạn, bài viết này sẽ chia cách làm bánh khúc cây Giáng sinh thành ba phần chính: Phần cốt bánh, phần kem phủ socola và phần trang trí bề mặt bánh. Nào, hãy cùng thực hiện thôi!
2.1. Phần cốt bánh
Nguyên liệu làm cốt bánh:
- 4 quả trứng gà
- 25gam bột mì đa dụng
- 25gam bột ngô
- 80gam đường
- 40gam sữa tươi
- 15gam bơ nhạt
- 25gam dầu thực vật (tuyệt đối không dùng dầu olive)
- 5ml vani dạng lỏng
- 1/2 thìa cà phê cream of tartar hoặc 1/2 thìa cà phê nước cốt chanh
- 1 thìa cà phê muối ăn
Dụng cụ làm bánh:
- Lò nướng
- Âu trộn bột
- Máy đánh trứng
- Rây bột
- Khay nướng bánh kích thước tuỳ ý (khuyên dùng khay 20 – 30cm)
- Giấy nến hoặc giấy A4 lót khuôn
- Spatula hoặc dao trét kem
Cách làm phần cốt bánh khúc cây:
Bước 1: Trộn lòng đỏ và các nguyên liệu
- Tách riêng lòng đỏ và lòng trắng của 4 quả trứng gà. Dùng thìa đánh tan lòng đỏ trứng và vani dạng lỏng.
- Vặn lò để sẵn ở nhiệt độ 160 độ C. Lót một miếng giấy nến hoặc giấy A4 trắng xuống đáy khuôn.
- Đun sôi một ít nước trong nồi nhỏ. Cho sữa, bơ và dầu ăn vào âu. Khi nước trong nồi sôi thì đặt âu lên miệng nồi (lưu ý là đáy âu không được chạm nước). Dùng thìa khuấy đều cho đến khi bơ tan, hỗn hợp hoà quyện lại với nhau. Rây bột mì và bột ngô vào âu. Tiếp tục cho hỗn hợp lòng đỏ trứng và vani dạng lỏng vào. Nhanh tay trộn đều để có một hỗn hợp sánh mịn.
Bước 2: Đánh lòng trắng trứng
- Dùng một chiếc âu khác để đánh lòng trắng trứng. Để máy ở tốc độ thấp, đánh lòng trắng khoảng 1 phút đến khi các bọt khí lớn bắt đầu xuất hiện.
- Cho 1/5 thìa cà phê muối, 1/2 thìa cà phê cream of tartar vào, tăng dần tốc độ máy lên mức cao nhất.
- Đánh cho đến khi các bọt khí nhỏ dần thì cho đường vào (cho từ từ từng chút một). Tiếp tục đánh cho đến khi lòng trắng trứng bông lên và đặc lại.
Bước 3: Trộn nguyên liệu và nướng bánh
- Nhẹ nhàng trộn đều 2 hỗn hợp lại với nhau.Trộn nhẹ tay, dứt khoát và theo một chiều – không đảo xuôi đảo ngược.
- Cho hỗn hợp trên vào khuôn bánh đã chuẩn bị sẵn. Dùng thìa hoặc spatula dàn cho mặt bột phẳng. Gõ xuống bàn vài cái để các bọt khí to vỡ bớt. Nướng bánh ở nhiệt độ 160 độ C trong khoảng 15 – 20 phút. Thử bánh đã chín bằng cách ấn nhẹ lên mặt bánh, nếu vết lõm lập tức phồng trở lại là bánh đã chín. Không nên nướng quá lâu sẽ làm cho phần rìa bánh dễ bị khô cứng.
- Khi bánh chín, lấy ra khỏi lò. Dùng dao mỏng lách quanh thành khuôn, úp bánh lên rack có phủ sẵn một chiếc khăn sạch, khô (hoặc giấy nến rộng hơn kích thước của đáy khay nướng). Sau đó bóc bỏ giấy nến ở đáy bánh. Để bánh trên rack được kê cao tầm 5 phút để hơi nước thoát bớt. Đợi cho bánh bớt nóng, khi sờ vào thấy vẫn ấm nóng nhưng có thể cầm được thì bắt đầu cuộn bánh.
Bước 4: Cuộn bánh
- Chuẩn bị một tờ giấy nến có kích thước rộng hơn bánh (mỗi mép giấy rộng hơn khoảng 2 cm). Đặt bánh lên giấy nến và nhẹ nhàng cuộn lại, không cần phải cuộn bánh quá chặt tay. Cuộn xong để bánh trên rack cho bánh nguội hẳn.
- Sau khi bánh đã nguội thì mình mở bánh ra, lúc này bánh sẽ hơi “quăn” lại. Trét nhân lên phần mặt trong của cuộn bánh rồi cuộn lại lần nữa.
Vậy là chúng ta đã có được phần cốt bánh bông lan mềm mịn, ngọt dịu và thơm ngon tuyệt vời.
Nhân bánh có thể tuỳ chọn để phù hợp với sở thích của các thành viên trong đình. Các loại mứt thường được sử dụng để làm nhân bánh đó là mứt dâu, mứt thơm,… Hoặc cũng có thể sử dụng kem tươi làm nhân bánh.
Những lưu ý khi làm phần cốt bánh:
- Âu đánh bánh và các dụng cụ phải sạch và khô, không dính các chất béo như bơ, dầu mỡ,…
- Khi trộn các hỗn hợp nhẹ và nhiều bọt khí như lòng trắng trứng đánh bông, luôn trộn theo cách đảo từ dưới lên, không quấy liên tục vì dễ làm xẹp hoặc vỡ quá nhiều bọt khí, cốt bánh sẽ không nở.
- Để nhận biết lòng trắng trứng đã đạt đến độ bông cứng chưa. Hãy sử dụng một que kem, cho que vào hỗn hợp rồi nhấc lên, nếu thấy phần trứng dính trên đầu que không rung rinh hay lay chuyển gì chứng tỏ lòng trắng trứng đánh đến đây là đã chuẩn, không nên đánh thêm nữa.
2.2. Phần kem socola để phủ bánh
Nguyên liệu:
- 200gam socola (nên chọn loại socola có từ 50% – 70% ca cao)
- 150gam kem tươi (Nên dùng kem có độ béo khoảng 35% – 40% bởi kem có hàm lượng béo cao sẽ bong nhanh hơn và tốt hơn kem có hàm lượng béo thấp. Không nên dùng kem có độ béo thấp hơn 30%.)
- 20gam bơ nhạt (bơ president, bơ anchor)
Cách làm kem socola phủ:
- Bước 1: Tán nhỏ socola, cho vào một tô lớn cùng với bơ và kem tươi.
- Bước 2: Đun sôi nước trong một chiếc nồi có phần miệng nhỏ hơn đường kính của tô socola.
- Bước 3: Đặt tô socola lên nồi, khuấy đều cho đến khi socola tan chảy và hoàn quyện hoàn toàn với bơ, kem tươi. Lấy tô ra khỏi bếp và để cho hỗn hợp nguội hoàn toàn.
- Bước 4: Khi socola đã nguội hẳn, dùng máy đánh trứng hay dụng cụ đánh trứng đánh socola đến khi bông đặc và chuyển sang màu nhạt hơn. Sử dụng bọc thức ăn bọc kín phần miệng tô và cho phần kem này vào tủ lạnh khoảng 15 phút. Điều này sẽ giúp cho kem đặc lại và dễ trét lên bánh hơn.
2.3. Trang trí bánh khúc cây Giáng sinh
Bạn có thể tự do trang trí bánh khúc cây theo sở thích của mình. Nếu yêu thích sự đơn giản, tiện lợi bạn có thể để khúc cây tự nhiên mộc mạc cho ra dáng như một khúc cây truyền thống. Còn nếu muốn chiếc bánh của mình trông sinh động hơn, bạn có thể trang trí thêm một số phụ kiện cho chiếc bánh thêm phần bắt mắt và thu hút hơn.
- Bước 1: Cắt một phần bánh làm thành mẩu cây rồi ghép vào thân bánh, trét thêm một ít kem để dính phần cắt này vào thân bánh, tạo thành phần mấu cây.
- Bước 2: Lấy phần kem socola đang giữ lạnh ra, từ từ trét phần kem socola lên phần ngoài của bánh, không cần chăm chút quá vì kem xù xì một chút trông sẽ giống khúc cây thật hơn.
- Bước 3: Dùng một chiếc nĩa kéo những đường vân trên bánh tạo thành các vân gỗ.
- Bước 4: Sử dụng thêm các phụ kiện như ông già Noel, cây thông, bông hoa tuyết bằng đường và trái cây trang trí trên bề mặt bánh cho đẹp mắt.
- Bước 5: Sau cùng, rây một chút đường bột lên bánh để trông giống tuyết rơi trên khúc cây.
- Bước 6: Đặt bánh vào tủ lạnh khoảng 20 phút cho mặt kem bên ngoài se cứng lại là ta đã hoàn thiện một chiếc bánh khúc cây thơm ngon và đẹp mắt.
3. Một số mẫu bánh khúc cây Giáng sinh đẹp cho bạn tham khảo
Chiếc bánh kem hình khúc cây không chỉ mang đậm không khí Giáng sinh và sự ngọt ngào, mà còn đem tới một nguồn dưỡng chất dồi dào nhờ những nguyên liệu tạo thành nó. Hãy cùng các con và anh chồng thân yêu thực hiện món bánh này vào mỗi dịp Giáng sinh để gia đình có thêm nhiều niềm vui hơn nhé. Điều này vừa tăng sự gắn kết, vừa tạo nên một chiếc bánh khúc cây mang đặc trưng riêng của gia đình. Chúc các bạn thực hiện thành công món bánh này!
Thanh Hoà tổng hợp