Nguyên liệu làm phần nhân cho gỏi cuốn khá đa dạng, từ thịt, cá, trứng cho đến các loại hải sản. Thậm chí chỉ với vài loại rau củ có sẵn, bạn cũng có thể chế biến món ăn này với các cách làm gỏi cuốn đa dạng dưới đây.
1. Cách làm gỏi cuốn tôm thịt
Món gỏi cuốn với nhân tôm thịt khá được ưa chuộng. Đặc biệt là trong ẩm thực miền Nam, món ăn này được chế biến và bày bán khá nhiều. Cùng tham khảo các công đoạn làm gỏi cuốn tôm thịt bên dưới nhé.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Tôm tươi: 500 gram
- Thịt ba rọi: 500 gram
- Bún tươi sợi nhỏ: 500 gram
- Rau cuốn: xà lách, hẹ, diếp cá, rau húng,…
- Dưa leo
- Hành tím
- Bánh tráng
Cách làm gỏi cuốn tôm thịt:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Tôm mua về rửa sạch. Vệ sinh phần đầu tôm, cắt bỏ râu và lấy chỉ ở lưng.
- Thịt ba rọi rửa qua nước sạch, loại bỏ phần lông và cạo sạch phần da bẩn phía ngoài. Để dễ xử lý phần lông heo, bạn nên chần thịt qua nước sôi trước khi nhổ sẽ dễ hơn.
- Dưa leo rửa sạch rồi thái sợi.
- Rau sống sau khi nhặt thì rửa sạch rồi để ráo. Nên rửa rau bằng nước muối phòng khi rau còn sót các loại thuốc bảo vệ thực vật.
- Hành tím bóc vỏ, rửa sạch rồi đập dập.
Bước 2: Luộc tôm và thịt
- Bắc nồi nước lên bếp, cho thêm một ít giấm và muối. Đợi nước sôi thì cho tôm vào luộc đến khi khi chuyển đỏ thì vớt tôm ra.
- Chuẩn bị sẵn một chậu nước lạnh cho vài viên đá. Sau khi vớt tôm ra thì cho tôm vào chậu để thịt tôm được săn lại.
- Lột vỏ tôm, sau đó cắt tôm dọc làm đôi. Nếu là tôm nhỏ thì để nguyên con để cuốn.
- Bắc nồi nước khác lên bếp, cho củ hành đập dập và một ít muối vào. Đợi nước sôi thì thả thịt vào luộc khoảng 15 – 20 phút cho thịt chín thì vớt ra.
- Cho thịt vừa vớt vào một chậu nước đá để sẵn để thịt săn lại và không bị thâm. Vớt thịt ra để ráo và thái thành từng lát mỏng vừa ăn.
Bước 3: Cuốn gỏi
- Đặt bánh tráng lên khay hoặc thớt, thoa chút nước cho bánh tráng mềm và có độ dính.
- Xếp lần lượt các loại rau từ lớn đến bé lên một góc bánh tráng. Tiếp đến, xếp bún, thịt, tôm lên và tiến hành cuộn lại.
- Trước khi cuộn, bạn nhớ gấp phần mép ở hai đầu gỏi cuốn lại để khi ăn không bị rơi phần nhân ra ngoài. Cuộn với lực chặt vừa phải để cuốn không bị lỏng hay bị rách phần bánh tráng.
- Thực hiện cuốn tương tự với những cuốn còn lại cho đến khi hết nguyên liệu. Sau đó bày ra đĩa và thưởng thức cùng nước chấm.
2. Cách làm gỏi cuốn cá hồi quả bơ ngon cực lạ miệng
Cá hồi và quả bơ là một sự kết hợp tuy lạ nhưng cực kỳ ăn ý. Thêm hai loại nguyên liệu này vào món gỏi cuốn càng khiến hương vị đặc biệt hơn gấp bội. Vì cá hồi theo hướng dẫn dưới đây là cá hồi tươi, tuy nhiên nếu không ăn được cá sống, bạn hoàn toàn có thể nướng lên hoặc chiên trong dầu nóng trước khi cuốn nhé.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Cá hồi tươi: 400 gram
- Quả bơ: 1 quả
- Hành tây: 1 củ
- Rau mầm: 20 gram
- Xà lách
- Dưa leo
- Giấm ăn
- Bánh tráng
- Các gia vị thông thường
Cách làm gỏi cuốn cá hồi quả bơ:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Cá hồi sau khi rửa sạch thì thấm khô rồi thái thành lát mỏng. Sau đó cho cá hồi vào hộp, đậy kín lại và bảo quản trong tủ lạnh đến khi cuốn.
- Quả bơ bóc vỏ và bỏ hạt, sau đó thái lát mỏng đều nhau.
- Hành tây bóc vỏ, rửa sạch rồi thái lát mỏng. Ngâm hành tây cùng một ít giấm trong khoảng 10 phút rồi vớt ra cho ráo.
- Dưa leo rửa sạch, gọt vỏ và bỏ bớt hạt, thái thành từng sợi dài.
- Xà lách và rau mầm rửa sạch rồi để ráo. Nên rửa qua nước muối để đảm bảo loại bỏ hết các chất bẩn trên rau.
Bước 2: Cuốn gỏi
- Lấy miếng cá hồi trong tủ lạnh ra và thái thành từng lát mỏng.
- Đặt bánh tráng lên khay hoặc thớt để dễ cuốn. Làm ướt bánh tráng để bánh tráng mềm và tạo độ dính.
- Lần lượt xếp từng loại nguyên liệu lên một góc của miếng bánh tráng. Bạn nhớ ước lượng nguyên liệu cho vào cuốn để cuốn không bị quá to nhé.
- Gấp hai mép của cuốn lại trước, sau đó cuốn dần lên trên cho đến hết. Thực hiện tương tự với những cuốn còn lại đến khi hết nguyên liệu.
3. Cách làm gỏi cuốn chay rau củ eat clean
Món gỏi cuốn này không chỉ có thêm vào thực đơn ăn chay, mà còn có thể thêm vào thực đơn giảm cân nữa đấy. Bạn có thể thay đổi vài nguyên liệu có sẵn trong gian bếp của mình để thêm vào gỏi cuốn.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Đậu phụ: 2 bìa
- Nấm rơm: 100 gram
- Bún tươi: 200 gram
- Rau cuốn: xà lách, diếp cá,…
- Giá đỗ
- Các gia vị thông thường
Cách làm gỏi cuốn rau củ:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Bún tươi mua về nên chần qua nước sôi rồi để ráo, như vậy sợi bún sẽ dai ngon và có thể để lâu hơn.
- Nấm rơm rửa sơ cho hết đất, sau đó ngâm nước muối và xả lại bằng nước sạch. Cắt bỏ phần chân nấm và thái lát.
- Nếu bạn dùng đậu phụ trắng thì khi mua về nên rửa lại và để ráo. Sau đó chiên ngập dầu trên chảo nóng đến khi chín vàng các mặt. Nếu mua đậu phụ chiên sẵn, bạn vẫn nên chiên sơ lại với ít dầu hơn để đậu phụ được nóng giòn.
- Chiên xong thì để cho đậu phụ nguội bớt rồi thái thành từng miếng mỏng dài dạng sợi để dễ cuốn.
Bước 2: Xào nấm và trộn gỏi
- Bắc chảo lên bếp, đợi chảo nóng thì cho nấm rơm vào xào sơ trên chảo không. Sau đó cho thêm 1 thìa nước tương vào xào đến khi nấm chín mềm.
- Cho dưa leo và giá đỗ vào bát, trộn cùng với 1 thìa đường và 1 thìa giấm ăn. Sau đó vớt ra để ráo.
Bước 3: Cuốn gỏi
- Bày miếng bánh tráng lên khay hoặc thớt, thoa một ít nước cho bánh tráng có độ mềm và dính. Bạn lưu ý không nên làm ướt bánh tráng nhiều vì phần nguyên liệu làm nhân không khô hoàn toàn.
- Đặt rau xà lách lên trước, sau đó lần lượt đặt các nguyên liệu còn lại lên trên. Chia nguyên liệu cho từng cuốn một cách vừa phải để dễ cuốn.
- Gấp hai mép bánh tráng ở hai bên vào, sau đó cuốn thật chắc tay đến hết phần bánh tráng.
- Cuốn các cuốn còn lại tương tự cho đến khi hết nguyên liệu. Bày cuốn ra đĩa và chấm cùng nước sốt chay ăn kèm.
4. Làm nước chấm đậm đà cho món gỏi cuốn
Gỏi cuốn thường được ăn kèm với các loại nước chấm đậm đà như nước mắm chua ngọt hoặc mắm nêm. Hai cách làm nước mắm của chuyên mục Món ngon mỗi ngày dưới đây sẽ giúp món ăn của bạn tăng thêm hương vị.
4.1. Cách làm mắm nêm chấm kèm gỏi cuốn
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 1 chai mắm nêm nguyên chất
- 1/2 quả dứa (khóm)
- 2 nhánh sả
- 1 quả chanh
- 1 thìa cà phê tỏi băm
- Đường
- Ớt tươi
Cách làm nước mắm nêm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Dứa gọt vỏ và cắt bỏ phần mắt. Thái dứa thành miếng nhỏ rồi bỏ vào máy xay. Lọc hết phần xác dứa để lấy phần nước cốt.
- Chanh rửa sạch, bỏ hạt rồi vắt lấy nước cốt.
- Sả cắt gốc, bóc bỏ phần vỏ già phía ngoài, rửa sạch rồi băm nhỏ.
- Ớt rửa sạch, bỏ bớt hạt rồi băm nhỏ.
Bước 2: Pha mắm nêm
- Bắc nồi nhỏ lên bếp, cho nước cốt dứa, nước cốt chanh, xả băm vào rồi khuấy đều.
- Đợi hỗn hợp sôi lên thì cho đường vào và mắm nêm vào. Nêm nếm cho vừa ăn rồi tắt bếp và để nguội.
- Khi ăn thì cho nốt phần tỏi và ớt băm vào, trộn đều và múc ra chén nhỏ để chấm.
4.2. Nước mắm chua ngọt cay nồng
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Nước mắm
- Chanh
- Đường
- Tỏi
- Ớt
- Bột năng
- Nước lọc
Cách làm nước mắm chua ngọt:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Chanh rửa sạch, bỏ hạt và vắt lấy nước cốt.
- Tỏi bóc vỏ sau đó băm nhỏ. Ớt rửa sạch, bỏ hạt và phần cuống rồi băm nhỏ.
- Cho một thìa nước lọc vào bột năng, khuấy đều cho tan.
Bước 2: Pha nước mắm
- Để chén nước mắm kẹo thật đậm đà, bạn nên pha theo tỷ lệ 1:1:1:2 tương ứng với tỷ lệ của nước mắm, nước cốt chanh, đường và nước lọc.
- Cho nước mắm, nước lọc và đường vào chén tỏi ớt trước. Khuấy đều hỗn hợp cho tan hết đường. Sau đó cho nước cốt chanh vào rồi nêm nếm cho vừa ăn.
- Cho hỗn hợp bột năng vào chén nước mắm và khuấy đều. Đến khi nước mắm đạt được độ kẹo như mong muốn là được.
Cách làm gỏi cuốn vừa không khó mà giá trị dinh dưỡng nó mang lại còn cực nhiều nữa. Nhất là với những ai hay mang theo cơm trưa hay chuẩn bị đi chơi xa, thì món gỏi cuốn này khá lý tưởng đấy. Bên cạnh công thức bên trên, bạn có thể thay một vài loại nguyên liệu để tự tạo ra công thức gỏi cuốn ngon cho riêng mình để thưởng thức.
Nguyễn Diệp tổng hợp