1. Nguồn gốc và ý nghĩa của bánh chưng
Bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc ta, một nét đẹp văn hóa không bao giờ phai nhạt trong lòng mỗi con dân đất Việt. Ai đi xa cũng luôn nhớ về nguồn cội, dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn đến đâu nhưng trong ngày Tết vẫn không thể thiếu món bánh đặc trưng này. Nếu thiếu bánh chưng để bày bàn thờ cũng xem như thiếu hẳn ngày Tết. Cách làm bánh chưng tuy rất công phu và tốn nhiều thời gian nhưng thành quả bạn nhận được luôn xứng đáng với những gì mình đã bỏ ra.
1.1. Nguồn gốc ra đời của bánh chưng
Theo “sự tích bánh chưng, bánh dày”, vào đời Hùng Vương thứ 6, khi có ý định truyền ngôi cho con nhưng nhà vua có tới 20 người con trai, không biết chọn ai cho xứng đáng. Người đã họp các hoàng tử lại và nói với các con rằng ai làm vừa ý người, người sẽ truyền ngôi cho. Các vị hoàng tử thay nhau lên rừng xuống bể tìm rất nhiều của ngon vật lạ về dâng cha. Riêng chỉ có Lang Liêu – người con thứ 18 của vua Hùng, mẹ mất sớm, tính tình vốn hiền lành, nhân hậu, nhờ giấc mộng của thần mà chàng đã nghĩ ra được thứ dâng vua là gì.
Trong giấc mơ, vị thần đã bảo với Lang Liêu rằng: “Trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo. Chỉ có gạo mới nuôi sống con người và ăn không bao giờ chán. Các thứ khác tuy ngon nhưng hiếm, mà người không làm ra được. Còn lúa gạo thì mình trồng lấy, trồng nhiều được nhiều. Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương”. Sau giấc mơ đó Lang Liêu đã chọn gạo nếp là nguyên liệu để làm món bánh đặc biệt dâng vua. Cùng với một nguyên liệu, chàng đã làm ra hai món bánh khác nhau để dâng vua đó là bánh chưng và bánh giầy.
Trong biết bao nhiêu sơn hào hải vị của các hoàng tử, chỉ có món bánh của Lang Liêu là được nhà vua chọn lựa để đem đi tế Trời, Đất cùng Tiên vương. Vì bánh hình vuông tượng trưng cho đất, các thứ thịt mỡ, đậu xanh, lá dong tượng trung cho cầm thú, cây cỏ muôn loài nên bánh đã được vua Hùng đặt tên là bánh chưng. Cứ hàng năm, mỗi dịp Tết đến nhà vua lại ra lệnh cho nhân dân làm món bánh này dâng lên tổ tiên. Với ước mong tổ tiên sẽ phù hộ cho mọi gia đình có một mùa màng bội thu trong năm mới. Từ đó bánh trưng trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu của dân tộc ta mỗi dịp Tết cổ truyền, nó nhắc con người ta nhớ về cội nguồn của dân tộc.
1.2. Ý nghĩa của bánh chưng
Ý nghĩa về văn hóa
Nước ta có nền văn minh lúa nước lâu đời mọi việc đều trông vào thời tiết và thiên nhiên. Do đó bánh chưng đã trở thành nét đẹp văn hóa của nhân dân ta. Nó thể hiện lòng biết ơn của con người với trời, đất vì một năm mưa thuận gió hòa, đem đến mùa màng bội thu và cuộc sống ấm no hạnh phúc. Lá bọc ngoài bánh chưng là biểu tượng cho sự đùm bọc lẫn nhau của nhân dân ta. Bánh cũng tượng trưng cho sự hiếu thảo của con cái dành cho cha mẹ. Vào dịp Tết làm bánh chưng tặng cha mẹ như để tỏ lòng biết ơn đến cha mẹ, người đã nuôi dưỡng ta thành người như tấm lòng của Lang Liêu đối với vua Hùng.
Ý nghĩa về tinh thần
Bánh chưng mang ý nghĩa tinh thần vô cùng đặc biệt. Vào mỗi dịp cuối năm, gia đình quây quần bên nhau cùng gói bánh chưng và ngồi bên bếp lửa ấm cúng. Giây phút gia đình đoàn viên, ngồi bên nhau nghe kể về một năm vất vả đã qua đi.
Ý nghĩa về sức khỏe
Bánh chưng được làm từ những nguyên liệu giàu dưỡng chất mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe của chúng ta. Từ gạo nếp, đậu xanh đến thịt heo, mỗi thành phần đều chứa đựng nhiều giá trị dinh dưỡng, vitamin và các chất tốt cho cơ thể. Cụ thể như gạo nếp mang đến nhiều năng lượng và rất tốt cho gan. Đậu xanh có chức năng thanh nhiệt, giải độc, giảm sưng tấy. Còn thịt heo cung cấp nhiều protein, chất béo và năng lượng, đem đến nhiều dinh dưỡng cho cho thể.
Có thể thấy đây là món bánh truyền thống mang nhiều ý nghĩa đối với nhân dân ta. Để tìm hiểu các cách làm bánh chưng ngon chuẩn vị, mời bạn cùng cachlam.com.vn theo dõi những công thức dưới đây để có trong tay bí quyết làm món ăn truyền thống đúng chuẩn.
2. Cách làm bánh chưng xanh truyền thống
Nguyên liệu cần chuẩn bị để làm bánh chưng:
- Gạo nếp cái hoa vàng: 400gam
- Đậu xanh không vỏ: 200gam
- Thịt ba chỉ: 100gam
- Lá dong: Chọn lá vừa, không quá già và có màu xanh đậm, cuống nhỏ
- Dây lạt: 1 bó, nên mua lạt được chẻ sẵn, có chiều dài từ 70 – 90cm
- Muối: 8gam
- Hạt nêm: 4gam
- Tiêu: 1 gam
Cách làm bánh chưng xanh truyền thống:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Gạo nếp: Vo gạo, lựa những hạt bị hư và sạn ra khỏi gạo. Đem ngâm nước và để qua đêm hoặc để ít nhất khoảng 4 tiếng để gạo được nở đều. Sau thời gian trên đổ ra rổ, để cho ráo nước.
- Đậu xanh: ngâm qua đêm hoặc ít nhất 4 tiếng, sau thời gian trên vớt ra và để ráo nước. Sau đó cho 4 gam muối vào đậu xanh và trộn đều.
- Thịt heo: rửa sạch, thái thành từng miếng khoảng 4cm cho vào tô. Ướp thịt với muối và hạt nêm đã chuẩn bị vào và để khoảng 30 phút cho ngấm gia vị.
- Lá dong: Rửa sạch cả hai mặt của từng lá và phơi ở nơi thoáng gió cho ráo nước. Sau đó dùng một chiếc khăn lau khô lá, chọn phần to nhất của lá gấp làm 4 và đo chiều dài của sóng lưng lá bằng với khuôn bánh rồi cắt lá.
- Lạt tre: Ngâm nước khoảng 8 giờ để lạt mềm, dễ buộc hơn.
Bước 2: Gói bánh
- Xếp lạt thành hình chữ thập rồi đặt khuôn bánh lên trên.
- Gấp lá dong làm 4 rồi xếp thành hình 1/4 góc vuông như hình. Sau đó đặt lá vào khuôn, làm tương tự với các góc còn lại.
- Cho vào khuôn khoảng 200gam gạo nếp, dàn đều ra hết khuôn. Lần lượt cho 100gam đậu xanh, rải đều trên mặt gạo, đến 1 miếng thịt ba chỉ, rồi thêm một lớp đậu xanh để phủ kín thịt. Cuối cùng cho một lớp gạo nếp khoảng 200gam nữa len bề mặt để phủ kín phần đậu xanh.
- Dùng tay ấn nhẹ nguyên liệu để bánh được chắc hơn.
- Gấp các cạnh lá lại như khi gói quà rồi dùng một tay cố định bánh. Tay còn lại nhẹ nhàng tháo khuôn bên ngoài ra, cột hai đầu sợi lạt vào với nhau.
- Sau khi đã cố định được bánh bằng dây lạt theo hình chữ thập, bạn có thể đan thêm dây lạt cột vào bánh để bánh chắc chắn hơn và cũng trông đẹp mắt hơn.
Bước 3: Luộc bánh
- Luộc bánh chưng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, bạn nên chọn một cái nồi gang dày để luộc bánh. Trước khi luộc, nên lót một ít lá dong vụn, còn dư vào dưới đáy nồi để bánh không cháy và nước luộc được xanh hơn.
- Xếp bánh chưng vào khắp nồi, lưu ý nhớ chèn chặt bánh để bánh không bị vỡ.
- Cuối cùng đổ nước vào nồi cho sấp hết mặt bánh và luộc bánh liên tục trong hơn 8 giờ đồng hồ.
- Luôn đảm bảo đủ lửa để nước trong nồi bánh luôn sôi và chín đều. Khi thấy nước trong nồi cạn thì lại tiếp nước cho bánh.
- Nên luộc bánh chưng bằng củi để bánh được thơm và nhừ hơn.
Bước 4: Công đoạn hoàn thành bánh
- Sau khi luộc bánh chưng, bạn vớt bánh ra ngoài và rửa sạch bánh cho hết nhựa.
- Xếp bánh ra một mặt phẳng lớn, để ráo.
- Dùng một tấm phản hoặc vật nặng đè lên các bánh chưng để ép cho ra hết nước trong bánh khoảng vài giờ. Cách này cũng giúp cho bánh được chắc chắn và mịn hơn.
- Sau khi ép bánh xong, bạn treo bánh lên hoặc để những nơi khô ráo để bảo quản.
Vậy là bạn đã hoàn thành xong các bước làm bánh chưng xanh truyền thống vô cùng thơm ngon và hấp dẫn. Miếng bánh chưng xanh thơm lừng mùi gạo nếp hòa quyện cùng vị béo của nhân thịt đậu xanh và vị cay nồng của tiêu sẽ là tuyệt phẩm trong mỗi gia đình vào những dịp Tết đến. Bánh chưng được dùng để bày bàn thờ, là món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa tiệc tất niên ấm cúng cuối năm. Ngoài ra người ta còn dùng bánh chưng làm quà tặng người thân và bạn bè vào dịp đầu năm mới mang ý nghĩa một năm hạnh phúc và đủ đầy.
3. Một số biến tấu khác của bánh chưng
3.1. Cách làm bánh chưng cốm
Nguyên liệu:
- 2kg gạo nếp
- 800gam thịt ba chỉ
- 800gam đậu xanh không vỏ
- 1kg cốm dẹp
- 3 muỗng cà phê muối
- 2 muỗng cà phê tiêu
- 1 muỗng cà phê bột ngọt
- 7 muỗng canh dầu ăn
- Lá dong, lạt
Cách làm bánh chưng cốm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Gạo nếp: Đem vo sạch và ngâm trong nước ít nhất 4 tiếng rồi vớt ra để ráo. Tiếp đến trộn gạo nếp với 1 muỗng cà phê muối và 1 muỗng cà phê dầu ăn.
- Đậu xanh: Rửa sạch và ngâm trong nước cho nở ra rồi cho vào nồi hấp chín, dùng muỗng tán nhuyễn ra. Trộn đậu xanh với 1,5 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê tiêu và 3 muỗng cà phê dầu ăn.
- Thịt ba chỉ: Rửa sạch, cắt thành từng miếng vừa ăn. Sau đó cho vào thịt 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê tiêu và 3 muỗng canh dầu ăn. Trộn các gia vị và ướp thịt từ 10 – 15 phút.
Bước 2: Gói bánh
- Chia nguyên liệu đã chuẩn bị ra thành 10 phần bằng nhau tương ứng với 10 cái bánh. Cứ 1 phần gạo nếp bạn cho 100gam cốm vào trộn đều.
- Bạn cũng có thể gói bánh không dùng khuôn bằng cách xếp 2 lá dong thành hình chữ thập.
- Chia phần gạo nếp trộn cốm của 1 phần bánh ra làm hai, và cho một phần lên trên lá.
- Tiếp tục cho đậu xanh tán nhuyễn lên trên, rồi đến thịt ba chỉ.
- Cuối cùng cho phần nếp trộn cốm còn lại lên trên cùng.
- Dùng tay gói bánh lại theo hình vuông, ấn chặt bánh xuống để tạo khối cho bánh rồi buộc dây cho chặt là xong.
Bước 3: Luộc bánh
- Cách luộc bánh thực hiện tương tự như khi làm bánh chưng xanh.
Vậy là bạn đã hoàn thành món bánh chưng cốm thơm lừng và vô cùng đẹp mắt cho Tết này rồi.
3.2. Cách làm bánh chưng gấc
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 2kg gạo nếp
- 600gam đậu xanh bóc vỏ
- 1 quả gấc
- 500gam thịt ba chỉ
- Gia vị: muối, đường, hạt tiêu, hành khô
- Lá dong, lạt
Cách làm bánh chưng gấc:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Gạo nếp: Vo sạch và ngâm với nước ít nhất 4 tiếng đồng hồ.
- Đậu xanh: Vo sạch, ngâm nước khoảng 8 tiếng rồi vớt ra, đem đi hấp chín.
- Thịt ba chỉ: Thái thành từng miếng vừa phải.
- Gấc: Rửa sạch, bổ đôi và lấy phần ruột gấc.
- Lá dong: Rửa sạch, để ráo.
- Hành khô: Bóc bỏ vỏ và băm nhỏ.
Bước 2: Ướp gia vị
- Trộn gạo nếp với ruột gấc đã lấy ra, thêm chút đường, rượu trắng vào trộn đều hỗn hợp đến khi có màu đỏ đều. Sau đó loạt bỏ hạt gấc ra.
- Thịt ba chỉ đem ướp với chút muối, hạt tiêu và hành khô băm nhỏ trong khoảng 1 tiếng.
Bước 3: Gói bánh
- Cách gói cũng được tiến hành như khi gói bánh chưng truyền thống.
Bước 4: Luộc bánh
- Bước luộc bánh này cũng thực hiện như khi làm bánh chưng truyền thống.
Vậy là bạn đã có mẻ bánh chưng gấc với màu đỏ thật nổi bật và đẹp mắt. Màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn và tràn đầy hạnh phúc. Mùi thơm của gạo nếp hòa quyện cùng hương gấc thơm lừng sẽ kích thích vị giác người ăn ngay từ lần thử đầu tiên.
3.3. Cách làm bánh chưng nếp cẩm
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 2kg gạo nếp cẩm (Chọn loại có hạt to, đều, thơm và mới)
- 500gam đậu xanh bóc vỏ
- 600gam thịt ba chỉ
- Gia vị: muối, đường, hạt tiêu…
- Lá dong, lạt
Cách làm bánh chưng nếp cẩm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Gạo nếp cẩm: Vo sạch và ngâm với nước khoảng 2 tiếng đồng hồ cho gạo nở ra. Sau đó vớt ra để ráo, thêm chút muối vào xóc đều.
- Đậu xanh: Vo sạch, ngâm nước khoảng 4 – 5 tiếng rồi vớt ra cho đậu nở rồi đem đi hấp chín. Tiếp theo nêm thêm chút muối, tiêu vào cho cho vừa miệng, dùng muỗng tán đậu cho thật nhuyễn.
Bước 3: Gói bánh
- Cách gói cũng được tiến hành như khi gói bánh chưng truyền thống.
Bước 4: Luộc bánh
- Việc luộc bánh cũng được thực hiện như luộc bánh chưng xanh truyền thống.
Bánh chưng nếp cẩm khi thành phẩm có màu tím rất lạ mắt và vô cùng ngon miệng. Hãy thử ngay cách làm bánh mới này để Tết năm nay nhà bạn có thêm điều mới lạ nào.
3.7. Cách làm bánh chưng chay (bánh chưng nhân ngọt)
Nếu đã quá chán ngán với các loại bánh chưng nhân thịt truyền thống thì Tết năm nay tại sao bạn không tự tay làm cho gia đình những chiếc bánh chưng chay lạ miệng. Cách làm bánh chưng chay nhân ngọt rất đơn giản, bạn chỉ cần thực hiện theo những hướng dẫn dưới đây.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 4kg gạo nếp
- 1/2 lon nước cốt dừa
- 2kg đậu xanh không vỏ
- 200gam hạt sen trắng
- Các gia vị: Gừng, muối, tiêu, ngũ vị hương, dầu mè, nước tương, dầu hào chay.
- Lá dong hoặc có thể chọn lá sen, lá chuối
Cách làm bánh chưng chay:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Vo thật sạch gạo nếp rồi cho vào 2 thìa cà phê muối, ngâm với nước trong vòng 24 giờ. Sau thời gian trên, xả lại gạo với nước lạnh rồi để ra rổ cho ráo nước.
- Cho vào gạo 1 thìa cà phê muối, 1 ít ngũ vị hương và nước cốt dừa trộn đều. Lưu ý khi gần gói bánh mới ướp gia vị cho gạo để gạo không bị chảy nước.
- Đậu xanh: Đãi sạch, ngam qua đêm cho nở ra rồi xả lại với nước. Sau đó cho thêm 1 thìa cà phê muối vào và trộn đều, để trong vòng 30 phút. Tiếp đến xả lại với nước cho hết bọt rồi đem hấp chín, tán nhuyễn đậu.
- Hạt sen: Tách tâm sen ra để bánh không bị đắng. Sau đó ngâm cho mềm rồi đem đi hấp chín, giã nhuyễn.
Bước 2: Gói bánh
- Bôi một ít dầu nên mặt lá, xếp lá dong lên một mặt phẳng để gói bánh.
- Cách gói cũng thực hiện như khi gói bánh thông thường.
- Đến giai đoạn bỏ nhân bạn cho lần lượt gạo nếp, đậu xanh, hạt sen và lớp trên cùng là gạo nếp rồi gói bánh lại.
Bước 3: Luộc bánh
- Cách luộc bánh cũng tương tự như khi luộc các loại bánh trên.
Làm bánh chưng chay vô cùng đơn giản, không cầu kì, chỉ vài bước làm bạn sẽ có một món ăn mới lạ đãi gia đình Tết này rồi.
3.8. Cách làm bánh chưng ngũ sắc
Bánh chưng ngũ sắc là một loại bánh chưng độc đáo, nó là sự kết hợp của 5 màu sắc trong tự nhiên tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ với ước nguyện mang lại may mắn cho năm mới.
Nguyên liệu làm bánh chưng ngũ sắc:
- Gạo nếp
- Đậu xanh không vỏ
- Lá dong: chọn lá to, đều, không bị rách
- Các loại gia vị tạo màu cho bánh: gấc, nghệ, lá riềng…
Các bước thực hiện:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Lá dong: rửa sạch từng lá rồi lau khô
- Gạo nếp: nhặt bỏ những hạt gạo khác lẫn vào, vo sạch, ngâm gạo trong nước muối loãng khoảng từ 12 – 14 giờ (tùy loại gạo và tùy thời tiết). Sau đó vớt ra để ráo. Bạn cũng có thể xóc gạo với muối sau khi ngâm thay vì ngâm nước muối loãng.
- Đậu xanh: Ngâm nước ấm 40 độ trong vòng 2 giờ cho mềm và nở, sau đó vớt ra để ráo, giã nhuyễn. Tiếp đến mang đậu xanh đi hấp chín rồi chia ra hành từng nắm.
- Thịt ba chỉ: rửa sạch, thái miếng và ướp thêm chút tiêu, muối cho vừa ăn. Sau đó cho thịt ba chỉ vào giữa từng nắm đậu xanh, nắm chặt nhân để gói bánh dễ hơn.
Bước 2: Công đoạn nhuộm màu sắc cho gạo
Màu sắc của bánh được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên. Bánh chưng ngũ sắc gồm 5 màu bao gồm: đỏ vàng, xanh, tím và màu trắng tự nhiên của gạo. Công đoạn này cực kì quan trọng và các nguyên liệu tạo màu hoàn toàn tự nhiên, an toàn cho sức khỏe.
- Màu đỏ: Màu đỏ được tạo nên từ quả gấc bằng cách cắt gấc ra làm đôi, lấy ruột và trộn đều với gạo đã được ngâm kĩ. Với 5kg gạo nếp thì càn từ 3 – 4 quả gấc tùy theo sở thích của mỗi gia đình, càng nhiều gấc thì màu đỏ lên sẽ càng đẹp.
- Màu xanh: Thông thường người ta sẽ chọn lá riềng để bánh có màu xanh, thơm hơn, nếu chọn lá dứa thì màu xanh sẽ không lên đẹp bằng lá riềng. Lá riềng đem xay nhuyễn với 200ml nước, lọc lấy nước cốt rồi trộn đều với gạo nếp đã ngâm đến khi lên màu thì dừng lại.
- Màu vàng: Là màu của của nghệ. Đem nghệ đi xay nhuyễn với 200ml nước, lọc lấy nước cốt và trộn với gạo đã ngâm. Nên chọn nghệ nếp và nghệ già để màu vàng được đẹp mắt hơn.
- Màu tím: Có thể dùng màu của lá cẩm hoặc dùng gạo nếp cẩm ngâm để gói bánh trực tiếp.
Bánh chưng ngũ sắc không chỉ ngon, lạ mà những thành phần tạo màu tự nhiên như nghệ, gấc, nếp cẩm, lá riềng cũng rất tốt cho sức khỏe.
Bước 3: Gói bánh
Công đoạn gói bánh ngũ sắc đòi hỏi người gói phải cẩn thận, giữ làm sao cho các màu không bị lẫn lại với nhau. Vì thế bánh ngũ sắc được gói bằng khuôn bình thường nhưng bên trong lại được chia làm 4 góc vuông có tâm hình tròn.
- Xếp lá dong ở dưới, sau đó đặt khuôn bánh lên trên.
- Khéo léo đổ từng màu gạo vào từng ô trong khuôn ở các góc bên ngoài gồm màu đỏ, màu vàng và màu trắng.
- Phần tâm bánh, bạn cho một lớp gạo nếp cẩm xuống trước, né chặt rồi cho nhân vào trong, trên cùng là một lớp gạo nếp cẩm nữa rồi ấn chặt. Khi gói nên chặt tay, chỉ cần lỏng tay một chút là các màu sẽ bị trộn vào nhau, bánh không đạt chất lượng.
- Sau khi các nguyên liệu đã được nén chặt, bạn từ từ tháo khuôn ra thật khéo léo sao cho các lớp gạo không hòa lẫn vào nhau. Sau đó gói bánh lại như các bước gói bánh thông thường.
Bước 4: Luộc bánh
Công đọan luộc bánh cũng được thực hiện như khi gói bánh chưng truyền thống. Luộc bánh cho chín rồi bắc ra, để ráo nước và dùng dùng dần như những loại bánh chưng truyền thống.
Bánh chưng ngũ sắc không chỉ ngon, lạ mà những thành phần tạo màu tự nhiên như nghệ, gấc, nếp cẩm, lá riềng cũng rất tốt cho sức khỏe. Hãy làm mới cho mâm cơm ngày tết với bánh chưng ngũ sắc, thêm sắc. thêm vị tạo nên sự khác biệt, tươi mới và sự tò mò cho các thành viên trong gia đình.
6. Một số lưu ý khi làm bánh chưng để bánh ngon đúng chuẩn
6.1. Cách chọn nguyên liệu làm bánh chưng ngon
Lá dong
Để bánh chưng được đẹp mắt và ngon bạn nên chọn á dong loại bánh tẻ, không quá non cũng không quá già. Chọn các lá có khổ rộng vừa phải, đều nhau. Một chiếc bánh chưng cần 4 lá để gói.
Trước khi gói bánh, nên ngâm lá dong vào một chậu nước to khoảng 30 – 45 phút cho lá mềm ra.
Rửa thật sạch và nhẹ nhàng cả hai mặt của lá, sau đó dựng lên cho ráo nước.
Trước khi gói bánh, dùng một chiếc khăn khô để lau lá dong. Dùng dao cắt bớt sóng lá để lá mềm và dễ gói hơn.
Lạt cột bánh
Lạt tre là nguyên liệu không thể thiếu khi gói bánh chưng. Những sợi lạt trắng không những giúp cho bánh chưng trông đẹp mắt hơn mà còn cố định lá bánh chưng chắc chắn.
Để chọn lạt cột bánh chưng, bạn nên chọn loại lạt dạng mỏng, mềm và dẻo. Nếu lạt hơi khô và dễ gãy, trước khi gói bánh bạn nên ngâm lạt trong nước để mềm và dễ cột bánh hơn.
Số dây lạt mỗi bánh phụ thuộc vào sở thích của bạn. Nếu thích buộc bánh hình chữ thập thì chỉ cần 2 sợi. Nếu muốn bánh chắc chắn và đẹp hơn bạn có thể cần đến 4 – 5 sợi dây lạt, đan xen kẽ nhau.
Gạo nếp
Gạo nếp là nguyên liệu quan trọng khi gói bánh chưng. Bạn nên chọn gạp nếp cái hoa vàng hoặc gạo nếp nương của Điện Biên cũng đều rất thơm ngon. Nên chọn gọi có hạt đều, mẩy, không bị sâu mọt, đặc biệt là chọn gạo mới thì bánh mới thơm mùi của nếp đặc trưng.
Trước khi gói bánh, gạo nếp thường phải được ngâm trước 8 tiếng, sau đó đem vo sạch cho hết sạn rồi để ráo.
Đậu xanh
Để chọn đậu xanh ngon làm bánh, bạn nên chọn đậu xanh hạt tiêu không vỏ, hạt nhỏ thì khi làm nhân bánh sẽ thơm. Đậu xanh trước khi gói bánh cũng nên đem ngâm cho mềm, hạt nở ra.
Thịt lợn
Thịt lợn nên chọn thịt ba chỉ, vừa có nạc vừa có mỡ để bánh có đầy đủ hương vị. Chọn thịt tươi, mới để bánh giữ được lâu hơn. Khi mua về bạn rửa sạch rồi thái thịt thành các miếng vuông, to bản có kích thước 5x7cm và dày khoảng 0,5cm. Sau đó ướp với muối, tiêu khoảng 15 phút cho ngấm gia vị.
6.2. Mẹo luộc bánh chưng ngon
Để bánh chưng được ngon và chín đều, trong quá trình luộc bánh bạn nên tham khảo một số mẹo sau:
- Ngâm nếp với nước tro: Vì nước tro có môi trường kềm, sẽ giúp gạo nếp nhanh chín và trong. Ngâm khoảng từ 3 – 4 tiếng hoặc để qua đêm là được.
- Dùng nước cốt chanh: Trước khi gói bánh, bạn cho một ít nước cốt chanh vào nếp. Cách này giúp bánh mau chín hơn. Bên cạnh đó bạn cũng không nên ngâm nếp quá lâu trước khi gói vì nếp sẽ bị rã ra thành bột.
- Dùng baking soda: Khi luộc bánh, cho vào nồi một ít baking soda để giữ màu xanh của bánh đồng thời làm bánh mau chín hơn. Baking soda có thể tìm mua dễ dàng ở các cửa hàng làm bánh, và không phải là chất độc hại nên dùng để luộc bánh sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Dùng lá dư, vụn lót ở đáy nồi: Cách này giúp giữ cho bánh không bị cháy và giúp màu nước luộc bánh xanh hơn.
7. Cách bảo quản bánh chưng
Vào ngày Tết, bên cạnh bánh chưng còn có rất nhiều món ăn khác trên mâm cỗ. Chắc hẳn những cặp bánh chưng sẽ không được sử dụng hết. Vì vậy để bảo quản bánh chưng được lâu hơn và vẫn giữ nguyên vị, bạn hãy lưu ý một số cách bảo quản sau:
Bảo quản ở bên ngoài nhiệt độ phòng
- Sau khi luộc bánh chín, bạn đem rửa lại với nước để bánh trôi đi hết nhựa dính trên vỏ bánh. Sau đó treo bánh ở những nơi thoáng mát để bánh được khô ráo.
- Dùng một tấm ván lớn đè bánh chưng xuống trên một mặt phẳng để nước trong bánh ra hết và bánh được chặt hơn.
- Cách này giúp bạn bảo quản bánh chưng từ 7 – 10 ngày tuy nhiên cũng tùy thuộc vào công đoạn gói bánh và cột bánh có chắc chắn không. Bên cạnh đó cũng tùy thuộc vào môi thường thời tiết nơi bạn ở.
Bảo quản trong tủ lạnh
- Bánh bảo quản trong tủ lạnh phải là bánh còn nguyên lá, ăn đến đâu cắt đến đó. Nếu không ăn hết có thể dùng màng thực phẩm bọc lại và cho vào tủ lạnh.
- Bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh có thể sẽ để được từ 15 – 20 ngày. Tuy nhiên sau thời gian này muốn ăn bánh thì bạn phải đem luộc lại vì bánh sẽ bị lại gạo (nếp bị khô, cứng giống như sống lại) khi cho vào tủ lạnh một thời gian dài.
Lưu ý:
- Lá được chọn để gói bánh phải là lá tươi, rửa sạch, chần qua nước sôi và để ráo trước khi gói.
- Khi cắt bánh nên dùng dao sạch để tránh vi khuẩn bám vào bánh.
- Nếu thấy nấm mốc nhẹ bên ngoài lá bánh thì chỉ cần hơ lửa thì nấm mốc sẽ được loại bỏ. Sau đó bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc lại và có thể bảo quản tiếp.
8. Bí quyết ăn bánh chưng tốt cho sức khỏe
Ở góc độ dinh dưỡng, bánh chưng mang nhiều giá trị đến cho mọi người. Theo PGS. TS Trần Đình Toán của hội Dinh dưỡng Việt Nam: Trong gạo thường thiếu chất axit amin lysine nhưng đậu xanh hay các loại đậu khác lại chứa nhiều chất này. Do đó khi gạo và đậu kết hợp với nhau sẽ tạo nên món ăn cân đối về mặt dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, nhân củ bánh chưng thường được làm từ thịt ba chỉ, vừa có nạc vừa có mỡ giúp tăng cường bổ sung đam động vật, mỡ động vật cùng chất béo và chất đạm của đậu xanh để tạo nên sự cân đối trong món ăn. Có nhiều chất dinh dưỡng là vậy nhưng bạn nên lưu ý một số điểm khi ăn bánh chưng để tốt cho sức khỏe như sau:
Nên ăn bánh chưng kèm rau xanh
Trong bánh chưng có nhiều tinh bột của gạo nếp, chất đạm từ đậu xanh và chất béo của thịt mỡ. Tuy nhiên trong này lại không có chất xơ và các vitamin cần thiết. Đo đó để đảm bảo bổ sung đủ dinh dưỡng cho cơ thể bạn nên kết hợp ăn bánh chưng với rau xanh hoặc các món dưa muối, kiệu muối… Cách ăn này không chỉ giúp cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể mà còn giúp bạn chống ngán khi ăn bánh chưng. Bên cạnh đó khi ăn bánh chưng xong bạn nên bổ sung thêm nhiều loại trái cây để hạn chế lượng chất béo được nạp vào cơ thể do ăn quá nhiều bánh chưng.
Chỉ nên ăn bánh chưng vào buổi sáng và trưa
Vì bánh chưng chứa nhiều chất dinh dưỡng và năng lượng, do đó bạn chỉ nên ăn vào buổi sáng và buổi trưa đẻ có thời gian tiêu hao. Nếu ăn vào buổi tối bạn sẽ dễ bị đầy hơi, chướng bụng…
Hạn chế ăn bánh chưng chiên
Bánh chưng chiên hấp dẫn nhiều người vì độ thơm ngon, béo giòn của nó. Tuy nhiên ăn nhiều bánh chưng chiên sẽ làm cho cơ thể bị tích tụ chất béo không tốt. Thêm vào đó chất béo này sẽ làm cho bạn bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu và tăng cân nhanh chóng.
Không ăn bánh chưng bị mốc
Khi bánh chưng bị mốc, độc tố Aflatoxin được sinh ra. Ăn bánh chưng bị mốc sẽ làm cho độc tố bị tích tụ và ảnh hưởng đến sức khỏe. Mặc dù đã loại bỏ phần mốc và chiên lên nhưng chất độc vẫn còn.
Bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc ta. Nó thể hiện sự biết ơn của nhân dân ta đối với ông bà, tổ tiên. Bày tỏ lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Đồng thời bánh chưng mang nét văn hóa ẩm thực trường tồn trong lịch sử dân tộc. Vì vậy bạn hãy lưu lại ngay các cách làm bánh chưng này để truyền đạt lạt cho con cháu mai sau. Nhắc nhở các con phải luôn nhớ về nguồn cội và để phong tục tập quán tốt đẹp này không bị mai một đi theo năm tháng.
Hồng Ngọc tổng hợp