1. Nguyên liệu làm kem dừa
Để làm kem dừa có độ kết dính tốt, bảo quản được lâu, bạn có thể áp dụng theo cách như sau:
- Trứng gà: 3 quả
- Đường: 50 gram
- Nước cốt dừa: 250 ml (Bạn có thể học cách tự làm nước cốt dừa để chế biến kem)
- Bột năng: 1 muỗng
- Cơm dừa: 20 gram
- Kem béo: 250 ml
- Vani: 1 muỗng
- Dụng cụ làm kem dừa: Máy xay sinh tố, rây lọc, khuôn làm kem…
2. Hướng dẫn cách làm kem dừa ngon nhất
Kem dừa ngon phải chế biến khá cầu kỳ. Chỉ nhìn sơ qua nguyên liệu ở trên là bạn đã phần nào hiểu được cách làm món này như thế nào. Vì thế, khi làm món kem này bạn nhớ thực hiện đúng các bước như hướng dẫn dưới đây nhé.
2.1. Sơ chế nguyên liệu làm hỗn hợp kem trứng
- Trứng gà: Tách lấy lòng đỏ và để riêng. Bí quyết để tách lòng đỏ là bạn dùng muỗng đánh nhẹ đầu nhọn quả trứng, sau đó để lòng trắng chảy ra hết.
- Cơm dừa: Đem bào nhỏ.
- Bạn cho 3 lòng đỏ trứng gà vào tô. Sau đó cho thêm 50 gram đường. Dùng dụng cụ đánh trứng để đánh tan hỗn hợp này. Lưu ý chỉ đánh theo một chiều để hỗn hợp đều và đường tan nhanh hơn.
- Đun sôi 250 ml nước cốt dừa. Lưu ý: Chỉ đun lửa vừa, và khi thấy hỗn hợp sôi thì tắt bếp. Trong quá trình đun nên hớt bọt để nước cốt mịn, ngon hơn.
- Cho nồi nước cốt dừa đã nấu trộn với phần trứng gà đã đánh tan ở trên. Tiếp tục dùng dụng cụ đánh trứng để khuấy đều hỗn hợp.
2.2. Cách làm kem dừa dẻo với bột năng, trứng gà
- Dùng rây lọc để lọc bột năng vào hỗn hợp nước cốt dừa và trứng gà ở trên. Tiếp tục khuấy đều để hỗn hợp quyện vào nhau.
- Cho hỗn hợp này lên bếp nấu sôi và để nguội. (Bạn có thể bật quạt để làm nguội nhanh hơn)
- Trong thời gian chờ kem dẻo nguội, bạn cho cơm dừa đã bào vào chảo và rang sơ. Lưu ý chỉ rang dậy mùi thơm là được, tránh rang cơm dừa quá khô, mất vị béo tự nhiên của dừa.
- Khi hỗn hợp ở trên nguội, bạn cho cơm dừa, vani vào.
- Dùng máy xay sinh tố để đánh bông 250 ml sữa kem béo.
- Cho hỗn hợp kem dẻo ở bước trên vào xay chung.
- Khi kem đã bắt đầu sánh mịn và hòa quyện lại, bạn cho hỗn hợp ra khuôn đựng kem.
- Cho kèm dừa vào ngăn đông tủ lạnh 6 giờ là hoàn thành. Ở bước này muốn ngon hơn, thì cứ 30 phút bạn xới kem một lần nhé.
2.3. Yêu cầu thành phẩm kem dừa
- Kem dừa dẻo mịn, không dăm đá.
- Phần cơm dừa nên được xay nhuyễn mịn, ăn có vị béo bùi, hương thơm tự nhiên.
- Kem có đủ vị béo, bùi, ngọt tự nhiên nhất.
3. Kem dừa có tác dụng gì? Có nên ăn kem dừa thường xuyên?
Kem dừa hiện đang được rất nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt với cách làm kem dừa tại nhà vừa tiện lợi, vừa ngon miệng giúp món ăn này trở nên “hot” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên bên cạnh hương vị ngọt, mát kem dừa cũng như nhiều loại kem khác cũng có những nhược điểm mà người dùng cần lưu ý. Dưới đây là những điều cần biết về kem dừa mà Cachlam.com.vn muốn nhắn nhủ tới bạn.
3.1. Lợi ích đối với sức khỏe của kem dừa tự làm đúng cách tại nhà
- Theo nghiên cứu của giới khoa học, kem dừa có một loại chất béo đặc biệt gọi là MCTs. Loại chất béo này khi sử dụng sẽ được cơ thể chuyển hoá thành một nguồn năng lượng ổn định, tốt cho sức khỏe. Đặc biệt với người hoạt động thể chất nhiều thì chất béo này rất cần thiết.
- Kem dừa thích hợp với cả những người muốn giảm cân, do chất béo trong kem dừa được tiêu hóa ngay sau khi ăn. Ngoài ra, chất MCTs làm tăng quá trình đốt mỡ để chuyển hóa năng lượng.
- Kem dừa có lượng axit lauric nhất định, chất này có khả năng kháng khuẩn và trị nấm rất tốt.
- Ăn kem dừa giúp bảo vệ tim tốt, do kem dừa làm giảm lượng cholesterol trong máu.
- Vitamin E, Vitamin A… có trong kem dừa giúp cơ thể có khả năng ngăn chặn sự mất cân bằng oxy hoá. Do đó việc ăn kem dừa giúp bạn có một làn da khỏe mạnh và trẻ lâu hơn.
3.2. Những tác hại của kem dừa mà bạn nên biết
- Khi học cách làm kem dừa tại nhà, nhiều người thường mua nước cốt dừa đóng hộp. Sản phẩm này có chất BPA (loại phụ gia nhằm ngăn chặn ăn mòn vỏ hộp). Theo nghiên cứu, BPA có thể thấm vào thực phẩm trong hộp, đặc biệt những sản phẩm có lượng axit và chất béo cao như nước cốt dừa.
- Nếu hàm lượng BPA cao có thể làm phát sinh hay phát triển các bệnh ung thư nội tiết tố như tuyến tiền liệt, ung thư vú…
- Nếu nồng độ BPA thấp cũng gây ra ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.
- Ăn nhiều kem dừa có thể gây ra các chứng bệnh về đường tiêu hoá. Do thành phần chính của nước cốt dừa là đường fructose. Những người đang theo chế độ ăn kiêng, người bệnh tiểu đường… nên cân nhắc về việc sử dụng điều độ hoặc ngừng sử dụng kem dừa.
- Phụ nữ có thai cần tránh ăn kem dừa vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Hy vọng với những chia sẻ về cách làm kem dừa ở trên có thể giúp bạn hoàn thành món ăn ngon này để đãi cả nhà. Ngoài ra, bạn cũng có thể biến tấu món ăn này theo nhiều kiểu và hương vị khác nữa nhé. Tuy vậy, cần lưu ý khi làm kem dừa bạn nên lấy nước cốt dừa tươi, hạn chế nước dừa đóng hộp để tốt hơn cho sức khỏe. Ngoài ra, trên Cachlam.com.vn còn nhiều bí quyết làm kem bơ, kem xoài… bạn nhớ theo dõi và thực hiện nhé. Chúc bạn thành công với những món kem độc đáo này!
Đức Lộc