Nếu vẫn còn phân vân để lựa chọn một món mứt lạ miệng và thơm ngon để đãi khách trong dịp Tết thì hãy học ngay các cách làm mứt khoai môn sau đây. Chỉ với những nguyên liệu dễ tìm, giá thành rẻ cùng cách làm đơn giản là bạn đã có thể tự tay làm cho gia đình món mứt khoai môn bùi bùi, ngọt ngọt. Khoai môn giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết để bổ sung cho cơ thể trong mỗi dịp Tết. Khác với những loại mứt quen thuộc, mứt khoai môn là một lựa chọn lý tưởng để nhâm nhi bên tách trà nóng và cùng hàn huyên về những điều đã qua.
1. Giá trị dinh dưỡng của khoai môn và mẹo hay để chọn khoai môn làm mứt
1.1. Giá trị dinh dưỡng của khoai môn
Khoai môn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như hợp chất hữu cơ, khoáng chất và vitamin cần thiết cho sức khỏe. Đây là nguồn thực phẩm cung cấp rất nhiều chất xơ và carbohydrate, các loại vitamin như A, C, E, B6 , folate, magiê, sắt, kẽm, phốt pho, kali, mangan và đồng. Ngoài ra, khoai môn cũng cung cấp protein cho cơ thể nhưng với số lượng không đáng kể.
Nhờ hàm lượng dinh dưỡng dồi dào nên khoai môn có rất nhiều tác dụng đối với sức khoẻ người sử dụng. Điển hình như cải thiện hệ tiêu hóa, giảm lượng đường huyết trong máu, ngăn ngừa ung thư, bảo vệ da, tăng cường thị lực, tăng tuần hoàn cơ thể, giảm huyết áp, hỗ trợ hệ miễn dịch, ngăn ngừa các bệnh tim mạch…
1.2. Mẹo hay để chọn khoai môn làm mứt
Để chọn được khoai môn ngon, cần chú ý kích thước củ khoai và màu sắc bên trong ruột khoai. Khoai môn dùng làm mứt nên chọn những củ có kích thước vừa phải. Nếu củ quá nhỏ sẽ ít bột và ngược lại củ quá to sẽ nhiều xơ, cứng. Bên cạnh đó, khi gọt khoai môn, để ý phần ruột bên trong. Nếu phần ruột khoai có màu trắng đục, nhiều vân tím thì đó chính là những củ khoai môn thơm ngon nhiều dưỡng chất nhất.
2. Các cách làm mứt khoai môn bùi bùi, thơm lừng để đón Tết
2.1. Cách làm mứt khoai môn sấy giòn
Nguyên liệu:
- 400gam khoai môn tím
- 200gam đường
- Muối
- Dầu ăn
Cách làm:
- Khoai môn mua về cạo sạch vỏ, sau đó dùng dao bào thành từng miếng mỏng. Ngâm khoai môn trong nước muối loãng khoảng 20 phút để sạch nhựa.
- Vớt khoai môn ra ngoài, rửa lại với nước nhiều lần và để ráo.
- Bắc nồi lên bếp, cho vào 1 lít nước và 150gam đường. Đun sôi, đường tan ra thì trút khoai môn vào luộc sơ khoảng 2 phút.
- Đổ khoai ra ngoài rổ để ráo. Sau đó cho hết phần đường còn lại vào rổ khoai môn và ngâm. Trộn đều để đường tan.
- Bắc chảo lên bếp, cho vào 3 muỗng canh dầu ăn. Đợi dầu sôi, thả khoai môn vào chiên sơ.
- Vớt khoai ra ngoài giấy thấm dầu. Sau đó cho vào khay, bật lò sấy ở nhiệt độ 100 độ C, cho khoai vào sấy khoảng 30 phút. Đủ thời gian, lấy ra ngoài, để nguội là có thể cho vào hũ bảo quản.
2.2. Cách làm mứt khoai môn hương vani
Nguyên liệu:
- 1kg khoai môn
- 400gam đường trắng
- 1/2 muỗng cà phê muối
- 1 muỗng cà phê vani
- 500ml dầu ăn
Cách làm:
- Khoai môn gọt sạch vỏ, rửa sơ một lần với nước rồi đem cắt thành từng thanh dài vừa ăn. Sau đó rửa thêm lại vài lần cho sạch nhựa.
- Làm nóng 500ml dầu ăn, cho khoai môn vào chiên chín. Vớt ra để ráo dầu.
- Bắc chảo chống dính lên bếp, cho đường và ít nước lọc vào chảo cùng 1/2 muỗng cà phê muối và 1 muỗng cà phê vani. Đun đến khi đường tan hết thì thả khoai môn vào. Sên lửa nhỏ, đến khi đường khô bám vào miếng khoai tây thì tắt bếp.
- Đợi mứt khoai môn nguội, cho vào hũ thủy tinh để bảo quản.
2.3. Cách làm mứt khoai môn dẻo ngọt
Nguyên liệu:
- 1kg khoai môn
- 400gam đường
- 500ml dầu ăn
- Muối ăn
Cách làm:
- Khoai môn đem rửa sạch rồi nạo bỏ phần vỏ, sau đó rửa lại 1 lần nữa rồi đem thái khoai thành từng thanh dài cỡ 1 ngón tay.
- Bắc lên bếp một chảo sâu lòng, cho dầu ăn vào chảo rồi đun sôi. Khi đã sôi thì cho khoai môn vào chiên tới khi khoai vừa chín và cứng lại. Lượng dầu phải ngập mặt khoai để miếng khoai chín đều.
- Vớt khoai ra để cho ráo dầu rồi đặt khoai trên đĩa có lót sẵn giấy thấm dầu.
- Bắc một chảo khác lên bếp, cho đường, 1/4 muỗng cà phê muối cùng nửa chén vào chảo. Bật bếp đun sôi để đường tan hết.
- Tiếp theo, cho khoai môn vừa chiên vào chảo, đảo đều và sên lửa nhỏ vừa cho khoai ngấm nước đường. Thi thoảng đảo thật nhẹ nhàng để khoai không bị nát, khi nước đường keo lại và rút hết vào khoai thì đảo thêm vài phút nữa cho khoai khô ráo rồi tắt bếp.
- Tiếp tục đảo thật nhẹ nhàng để khoai khô ráo hoàn toàn và nhiệt trong chảo giảm hẳn mới thôi.
- Đợi mứt khoai môn nguội hẳn thì đem cất trong hũ kín bảo quản để nơi thoáng mát.
2.4. Cách làm mứt khoai môn vị hành
Nguyên liệu:
- 1kg khoai môn
- 500gam đường cát trắng
- 100gam hành lá
- Dầu ăn
- Muối ăn
Cách làm:
- Cho 500ml nước vào bát tô, thêm 2 thìa muối rồi khuấy đều cho muối tan để chuẩn bị ngâm khoai môn.
- Khoai môn mua về gọt vỏ rửa sạch với nước rồi để ráo.
- Thái khoai thành các miếng hình chữ nhật hoặc miếng dài nhỏ vừa ăn. Không thái quá mỏng vì như vậy khi sên đường khoai sẽ bị nát. Bạn thái dày khoảng 1cm là được nhé.
- Sau khi thái xong, bạn cho vào bát nước muối để ngâm trong khoảng thời gian là 1 giờ. Công đoạn này giúp khoai loại bỏ được nhựa và không bị thâm.
- Hành nhặt bỏ rễ, rửa sạch rồi thái nhỏ, để riêng ra bát con.
- Sau khi ngâm với nước muối xong, bạn nhớ rửa lại khoai thêm 1 – 2 lần nữa rồi vớt ra để ráo.
- Bắc 1 cái chảo lên bếp, cho vào 300ml dầu ăn, đợi dầu nóng già thì cho khoai môn vào chiên. Trong lúc chiên bạn nhớ để lửa nhỏ vừa, nếu không khoai sẽ rất dễ bị cháy. Rán tới khi khoai chín và vàng đều là được. Sau đó bạn vớt khoai ra, để vào giấy thấm dầu.
- Tiếp tục phi thơm hành rồi để ra bát nhỏ.
- Bắc 1 cái chảo lên bếp, để lửa nhỏ vừa, cho vào 40ml và 300 gam đường, khuấy thật đều cho đường tan dần ra. Khi đường tan hết, nước đường sủi bọt thì cho khoai vào sên.
- Khi sên khoai với đường, bạn nhớ là đảo thật nhẹ và đều tay để khoai không bị nát.
- Cứ tiếp tục sên cho tới khi nào đường cạn, rút hết vào trong miếng khoai rồi bám trắng như tuyết quanh miếng khoai thì cho hành hoa phi sẵn xuống, đảo sơ và tắt bếp.
- Cho mứt ra đĩa, nếu thích ăn ngọt hơn thì có thể rắc lên đĩa mứt 1 ít đường bột.
2.5. Cách làm mứt khoai môn sấy khô
Nguyên liệu:
- 1kg khoai môn
- 500gam đường
- 30gam vôi tôi
- 2 ống vani
Cách làm:
- Dùng một con dao hoặc đồ bào rau củ để gọt thật sạch phần vỏ khoai môn. Sau khi gọt hết, rửa sạch khoai để bớt phần nhớt bên ngoài rồi cắt khoai thành từng miếng với độ dày khoảng 1cm hoặc hình con chì tuỳ thích. Trong khi cắt, chuẩn bị sẵn một chậu nước muối, cắt đến đâu thì bỏ khoai vào ngâm nước muối tới đó để khoai không bị thâm.
- Hòa vôi tôi với khoảng 4 – 5 lít nước. Để yên khoảng 1 tiếng để phần cặn vôi lắng xuống hoàn toàn rồi gạn lấy phần trước trong để ngâm khoai.
- Sau khi đã cắt xong khoai, vớt ra khỏi thau nước muối rồi xả lại với nước sạch. Sau đó, ngâm khoai vào nước vôi trong vòng 8 tiếng hoặc để qua đêm. Khi đã ngâm xong, vớt khoai ra và rửa sạch lại với nước để loại bỏ phần vôi còn bám trên miếng khoai môn. Để khoai ra rổ cho ráo nước hẳn.
- Bắc một nồi nước lên bếp đun sôi. Sau khi nước sôi, cho khoai vào trần sơ trong vòng 1 – 2 phút, đừng để quá lâu sẽ khiến khoai bị vỡ nát. Vớt khoai ra rổ để khoảng 30 phút cho ráo nước.
- Cho 500ml nước cùng đường cát vào một chiếc nồi to, khuấy nhẹ rồi đun trên lửa nhỏ. Sau khi đường đã tan hết, cho khoai môn vào nồi đun cùng nước đường. Thi thoảng dùng đũa đảo nhẹ để khoai ngấm đều đường.
- Đun đến khi đường sên lại thì tắt bếp, xếp từng miếng khoai ra khay nướng. Cho vào lò sấy sấy với nhiệt độ khoảng 200 độ C trong vòng 25 phút. Lấy khay ra, lật mặt miếng khoai rồi cho vào sấy tiếp khoảng 15 phút nữa rồi lấy khay mứt ra khỏi lò và để cho nguội hẳn rồi bảo quản trong hũ thuỷ tinh.
3. Những lưu ý khi làm mứt khoai môn bạn cần biết
- Nhựa khoai môn rất ngứa nên nếu da tay bạn thuộc loại nhạy cảm cần sử dụng bao tay.
- Khi sơ chế, bạn cần gọt sạch vỏ, đối với các phần bị hỏng bạn phải vứt bỏ đi, khoét sạch vùng khoai có mầm vì chúng có độc tố, ăn vào sẽ dễ bị ngộ độc.
- Lúc chiên khoai môn, chỉ cần chiên đến khi miếng khoai môn chín đều là xong, không chiên đến khi giòn rụm.
- Khi đun đường để làm mứt khoai môn, nhớ quấy cho đều tay để đường không bị vón cục phía dưới chảo.
- Khi sên mứt khoai môn, phải để lửa nhỏ và đảo thật nhẹ tay để mứt không bị bể vụn.
4. Cách bảo quản mứt khoai môn được lâu
- Muốn mứt khoai môn luôn giòn ngon, phải để mứt nguội hẳn trước khi cho vào hũ thuỷ tinh bảo quản. Hũ thủy tinh đựng mứt phải luôn sạch sẽ và ráo nước.
- Khi lấy mứt, nên dùng muỗng hoặc đũa sạch và chỉ lấy một lượng vừa đủ dùng.
- Không để mứt tiếp xúc lâu với không khí nhằm tránh tình trạng mứt khoai môn bị ỉu và chảy nước.
Với những hướng dẫn chi tiết trên, hy vọng các bạn đã nắm được các cách làm mứt khoai môn độc đáo và hấp dẫn để mời khách mỗi độ Tết đến xuân về hoặc sử dụng thường xuyên như một món ăn vặt. Mứt khoai môn bùi bùi, ngọt thanh và thơm lừng sẽ khiến mọi người trầm trồ khen ngợi. Chúc các bạn sẽ thực hiện thành công món mứt đặc biệt này ngay từ lần đầu tiên!
Thanh Hoà tổng hợp