Trái thơm hay còn gọi là quả dứa – một loại trái cây có vị chua ngọt rất kích thích vị giác. Thơm là loại trái cây nhiệt đới, có nhiều nhất vào mùa hè. Ngoài việc dùng để làm sinh tố, ăn tươi và nấu chín thơm cũng có thể được chế biến thành món mứt ngon không kém. Vị chua ngọt đặc biệt của thơm sẽ khiến bạn lưu luyến mãi. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn các cách làm mứt thơm ngon chuẩn vị ngày Tết.
1. Cách làm mứt thơm chua ngọt hấp dẫn
1.1. Cách làm mứt thơm dẻo
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 2 trái thơm tươi (chọn quả vừa chín tới)
- 1kg đường cát trắng
- 2 ống vani
Cách làm mứt thơm chua ngọt:
- Bước 1: Thơm gọt bỏ vỏ, khéo léo loại bỏ hết các mắt thơm tránh phạm vào phần cơm nhiều. Rửa sạch, bổ ngang trái thơm thành từng lát dày khoảng 1,5cm. Bỏ đi phần lõi.
- Bước 2: Dùng tăm nhọn xăm nhiều lỗ nhỏ trên lát thơm để khi ướp sẽ thấm đường dễ dàng.
- Bước 3: Phơi thơm dưới nắng để thơm ráo và bay hơi đi một ít nước. Hoặc bạn dùng khăn sạch bỏ thơm vào ép bớt nước. Nên ép nhẹ tay tránh làm mất hình dạng ban đầu của thơm.
- Bước 4: Cho thơm và đường vào thau, ướp trong khoảng từ 2 – 4 tiếng hoặc đến khi đường tan hoàn toàn. Nếu bạn thích mứt ngọt nhiều thì có thể thêm đường vào. Trong thời gian ngâm, thỉnh thoảng trộn nhẹ để đường thấm đều.
- Bước 5: Sau khi ướp xong, bạn chuẩn bị một cái chảo rộng để sên mứt. Xếp từng miếng thơm tiếp xúc với bề mặt chảo. Không nên xếp chồng lên nhau.
- Bước 6: Khi sên nên bật lửa nhỏ, đến khi nước đường sôi có bọt thì vớt ra. Như vậy sẽ giúp mứt trong và đẹp mắt. Sên cho đến khi nước đường gần cạn, keo dính thì tắt bếp. Cho 2 ống vani vào để mứt dậy mùi.
- Bước 7: Vớt mứt ra để nguội và đợi đến khi khô hẳn thì xếp vào lọ, bảo quản trong tủ lạnh.
1.2. Cách làm mứt thơm khô
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 2 quả thơm tươi, vừa chín tới
- 1 quả chanh tươi
- 5gam phèn chua
- 600gam đường cát trắng
- 1 thìa cà phê muối
- 1 ống vani
Cách làm mứt thơm khô:
- Bước 1: Thơm gọt bỏ vỏ, khéo léo loại bỏ hết các mắt thơm. Rửa sạch, bổ ngang trái thơm thành từng lát dày khoảng 1,5cm. Bỏ đi phần lõi. Đối với mứt thơm sấy khô, bạn có thể tạo hình theo sở thích.
- Bước 2: Pha nước muối loãng, cho thơm vào ngâm từ 10 – 15 phút. Sau đó vớt ra rửa sạch lại với nước lạnh và để ráo nước.
- Bước 3: Cho phèn chua vào nồi nước và bắt đầu đun sôi. Khi nước sôi, bạn chần thơm khoảng 10 phút. Sau đó vớt ra và để ráo nước.
- Bước 4: Dùng tăm nhọn xăm nhiều lỗ nhỏ trên lát thơm để khi ướp sẽ thấm đường dễ dàng. Dùng khăn sạch để ép bớt nước. Bạn không nên ép mạnh tay tránh làm miếng thơm bị biến dạng nhé. Cho thơm và đường vào thau, ướp trong khoảng từ 2 – 4 tiếng hoặc đến khi đường tan hoàn toàn. Trong thời gian ngâm, thỉnh thoảng bạn nên trộn nhẹ để đường thấm đều.
- Bước 5: Khi đường đã tan hết, bạn bắt đầu sên mứt với lửa vừa. Sên đến khi thấy các lát thơm sánh khô lại thì cho vani và nước cốt chanh vào đảo nhẹ từ 1 – 2 phút rồi tắt bếp. Khi sên lưu ý không được xếp chồng các lát thơm lên nhau.
- Bước 6: Vớt mứt ra để nguội và chờ đến khi khô lại thì cho vào lọ bảo quản, dùng lâu dài.
1.3. Cách làm mứt dứa viên
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 2 quả thơm tươi, vừa chín tới
- 600gam đường cát trắng
- 2 thìa mật ong
- 1/3 muỗng muối hột
- 1 quả chanh tươi
Cách làm mứt thơm viên độc đáo:
- Bước 1: Thơm gọt bỏ vỏ, loại bỏ các mắt thơm và rửa sạch. Cắt thành từng khúc để dễ dàng băm nhỏ nhuyễn. Khuyên bạn không nên bỏ vào máy xay nhuyễn vì khi sên mứt sẽ khó giữ viên tròn.
- Bước 2: Cho thơm, đường cát, muối và một nửa nước cốt chanh vào tô lớn. Trộn đều và ngâm hỗn hợp khoảng 1 tiếng hoặc đến khi đường tan hết.
- Bước 3: Cho hỗn hợp vào nồi, sên với lửa vừa. Khi thấy hỗn hợp sôi lên thì bạn vặn lửa nhỏ nhất và đảo đều để không bị cháy. Đến khi hỗn hợp dần cô đặc lại, bắt đầu kết dính thì cho phần nước cốt chanh còn lại và mật ong vào, trộn đều. Tiếp tục sên thêm khoảng 10 – 15 phút. Khi thấy hỗn hợp khô, đặc sánh lại thì tắt bếp và để nguội dần.
- Bước 4: Đến khi mứt chỉ còn ấm thì bắt đầu vo viên với kích cỡ tùy ý, lăn qua đường cát trắng. Như vậy là đã hoàn thành mứt thơm viên tròn rồi.
1.4. Cách làm mứt thơm sợi
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 2 trái thơm tươi, vừa chín tới
- 400gam đường cát trắng
- 1/2 củ gừng dùng làm mứt
Cách làm mứt thơm sợi hương gừng:
- Bước 1: Thơm gọt bỏ vỏ, bỏ mắt, loại bỏ phần lõi cứng và rửa sạch với nước. Gừng rửa sạch, nạo vỏ và thái sợi thật mỏng.
- Bước 2: Cắt thơm theo khoanh tròn thành từng lát mỏng, tầm 3mm. Sau đó thái thành các sợi nhỏ theo thớ. Hãy thái khéo léo để sợi thơm không bị nát nhé.
- Bước 3: Cho thơm, gừng và đường vào tô, trộn đều thật nhẹ tay. Ở giai đoạn này bạn nên bỏ gừng vừa phải để tránh mứt quá cay. Ngâm trong vòng 3 – 4 giờ đến khi đường tan và ngấm hoàn toàn vào thơm và gừng.
- Bước 4: Bắt đầu sên mứt với lửa nhỏ cho đến khi mứt chuyển sang màu cánh gián thì tắt bếp. Để nguội và cho vào lọ kín vào bảo quản trong tủ lạnh.
1.5. Cách làm mứt thơm ăn bánh mì
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 1 trái thơm tươi, chọn quả chưa chín hẳn
- 1 miếng thanh quế
- 180gam đường cát trắng
- 1gam đinh hương (khoảng 2 nụ)
Cách làm:
- Bước 1: Thơm gọt bỏ vỏ, loại bỏ các mắt thơm và rửa sạch. Cắt thành từng khúc nhỏ, lưu ý không cắt bỏ phần cùi. Cho thơm vào máy sinh tố xay nhuyễn.
- Bước 2: Cho phần thơm đã xay, thanh quế, đinh hương vào một chiếc nồi/chảo lớn có phần đế dày. Đun với lửa vừa khoảng 15 – 20 phút hoặc đến khi nước thơm cạn bớt thì cho đường vào. Khuấy nhẹ 1 – 2 lần rồi tiếp tục đun với lửa nhỏ đến khi hỗn hợp đặc sánh lại và chuyển sang màu vàng cánh gián thì tắt bếp.
- Bước 3: Để mứt nguội từ từ và cho vào lọ kín bảo quản trong tủ lạnh. Bạn có thể dùng mứt này để dùng làm nhân bánh hoặc để quết bánh mì ăn.
1.6. Cách làm mứt thơm đậu phộng (kẹo thơm đậu phộng)
Đây là cách làm mứt được biến tấu vô cùng sáng tạo. Mứt thơm đậu phộng hội tụ đầy đủ từ độ dẻo sánh của mứt, vị ngọt chua của thơm, độ giòn của đậu phộng và hương thơm của mè. Tất cả hòa quyện lại khiến người thưởng thức mê mẩn. Cách làm cũng tương tự như cách làm mứt thơm ăn bánh mì.
Khi sên mứt thơm, lúc hỗn hợp đang dần cô đặc, bạn tranh thủ rang đậu phộng và giã vỡ vừa phải. Khi mứt đã sánh lại, trước khi tắt bếp bạn cho vào đó đậu phộng đã chuẩn bị, số lượng tùy ý. Bạn có thể cho vào đó thêm một chút mè rang. Trộn đều thêm 1 phút thì tắt bếp và để nguội dần.
Khi mứt đang còn ấm, bạn ép thành miếng vuông rồi cắt nhỏ thành từng miếng vừa ăn. Bọc từng miếng vào trong giấy kính mỏng, vặn hai đầu giấy kính thành viên kẹo là hoàn thành.
2. Các lưu ý khi làm mứt thơm
Bạn nên chọn những quả thơm vừa chín tới, không nên chọn những quả còn xanh hoặc quá chín. Vì quả còn xanh thì khi sên mứt lên màu không đẹp, quả quá chín thì mứt sẽ quá ngọt và không giữ được hình dạng nguyên miếng.
Nên bỏ mắt theo đường dọc để thơm khi cắt lát có hình dạng hoa cúc, như vậy miếng mứt sẽ xinh hơn.
Khi sên mứt chỉ nên để lửa vừa hoặc nhỏ. Không nên để lửa lớn sẽ khiến đường bị cháy, mứt sẽ đắng và lên màu vàng sậm không đẹp mắt.
Mứt thơm khi hoàn thành nên bỏ vào lọ kín bảo quản. Riêng mứt thơm sợi và mứt thơm để làm nhân bánh thì phải bảo quản trong tủ lạnh.
3. Công dụng của mứt thơm
Tốt cho hệ tim mạch, điều chỉnh huyết áp, cải thiện tuần hoàn máu
Trong quả thơm có enzyme proteolytic hay bromelain có khả năng giúp máu lưu thông, giúp tan máu tụ, tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim, bị đột quỵ. Đồng thời, chất chống oxy hóa trong vitamin C có nhiệm vụ chống lại các gốc tự do giúp cơ thể tránh xa các bệnh về tim và ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
Bên cạnh đó, trong trái thơm chứa Đồng (Cu) rất cần thiết trong việc hình thành các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Từ đó não bộ và các hệ cơ quan khác trong cơ thể được cung cấp một lượng oxy lớn giúp chúng hoạt động tối ưu nhất.
Giúp xương chắc khỏe, chống viêm khớp và đau khớp
Trong thơm có hàm lượng Mangan khá cao. Đây là khoáng chất cần thiết cho cơ thể để xây dựng xương và mô liên kết. Chỉ cần một quả thơm đã cung cấp tới 73% lượng mangan cần thiết mà không cần phải ăn thêm bất kỳ loại trái cây nào.
Thơm có khả năng giảm viêm các khớp và cơ. Trong thơm có enzyme proteolytic tương đối hiếm. Enzyme này có chức năng phá vỡ các protein phức tạp và chống viêm nghiêm trọng. Làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng viêm khớp.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Thơm cũng là nguồn cung cấp chất xơ phong phú giúp bạn tránh khỏi các tình trạng sức khỏe thường gặp như: táo bón, tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích… Bên cạnh đó, chất xơ còn giúp làm sạch máu, loại bỏ cholesterol dư thừa giúp bảo vệ tim mạch.
Cải thiện thị lực
Khi nhắc đến thị lực có lẽ bạn sẽ nghĩ ngay đến các loại trái cây như: Cà chua, cà rốt, ớt… Tuy nhiên, thơm cũng mang đến nhiều tác dụng cho mắt không kém. Chất beta-carotene trong thơm giúp trì hoãn thoái hóa bạch cầu, căn bệnh mà nhiều người lớn tuổi đang lo lắng. Thơm sẽ giúp bạn tăng cường sức khỏe cho mắt và ngăn ngừa các bệnh về mắt liên quan đến tuổi tác.
Tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho mô và tế bào, phòng ngừa ung thư
Với lượng Vitamin C khổng lồ, thơm giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, giảm đờm và chất nhầy trong đường hô hấp và các xoang, phòng ngừa ho và cảm lạnh. Đồng thời sản sinh collagen cho cơ thể giúp chữa lành các vết thương một cách nhanh chóng, phòng ngừa nhiễm trùng.
Mặt khác, trong thơm còn có rất nhiều chất chống oxy hóa. Chúng kích thích hoạt động rà soát của bạch cầu. Phòng ngừa ung thư miệng, ung thư cổ họng và ung thư vú.
Cải thiện sức khỏe răng miệng
Thơm có khả năng điều trị răng bị lung lay, giúp nướu khỏe mạnh, ngăn ngừa ung thư miệng nhờ có chất chống oxy hóa.
Thơm có giá thành cực kỳ rẻ mà lại có “cả tỷ” lợi ích bên trong. Sẽ rất phù hợp khi bạn sử dụng loại trái cây này vào dịp Tết phải không nào. Và làm mứt thơm sẽ là một sự sáng tạo vô cùng mới mẻ trong đĩa mứt truyền thống. Mứt thơm vừa mang vị ngọt chua độc đáo vừa giúp cơ thể khỏe mạnh trong mùa Tết tưng bừng. Bạn đừng chần chừ mà hãy bắt đầu vào bếp để thực hành ngay các cách làm mứt thơm phía trên nhé!
Thu Thủy tổng hợp