Năm nay, thay vì ra hàng mua vội vài cây giò xào, sao bạn không thử cách làm giò xào tại nhà cực đơn giản dưới đây nhỉ. Đảm bảo sẽ ngon hơn ngoài hàng nhiều đấy.

1. Cách làm giò xào thịt

Nguyên liệu:

  • 400 gram tai heo
  • 400 gram lưỡi heo
  • 700 gram thịt chân giò
  • 80 gram mộc nhĩ
  • 30 gram nấm hương
  • 2 củ hành tím
  • Khuôn làm giò xào (hoặc lá chuối, chai nhựa)
  • Các loại gia vị thông thường

Sơ chế nguyên liệu:

  • Tai, lưỡi và thịt heo mua về rửa thật sạch, nhổ và cạo sơ cho bớt lông. Chần nhanh tất cả qua nước sôi để cạo lông và lớp bẩn bên ngoài thật sạch. Lưỡi heo bạn cạo bỏ phần trắng trên bề mặt lưỡi.
  • Đun một nồi nước sôi, cho một thìa giấm và một thìa muối vào. Kế đó, bạn cho thịt, lưỡi và tai heo vào chần sơ qua một lần nữa để loại bỏ hết mùi hôi khó chịu.
  • Vớt tất cả ra và xả lại bằng nước lạnh. Bước này vừa giúp loại bỏ được bọt cặn bẩn khi luộc, vừa giúp cho thịt không bị thâm.
  • Thái thịt, lưỡi và tai heo thành từng miếng thật mỏng để thịt dễ thấm gia vị và khi xào sẽ nhanh chín hơn.

    Thái mỏng thịt để dễ ngấm gia vị và chín đều khi xào
    Thái mỏng thịt để dễ ngấm gia vị và chín đều khi xào. Ảnh Internet.
  • Ngâm mộc nhĩ và nấm hương trong nước ấm khoảng 3 – 5 phút. Sau đó đem nấm đi rửa sạch, để ráo, cắt bỏ phần gốc và thái nhỏ.
    Bóc vỏ hành tím, rửa sạch và băm nhỏ.
  • Rửa sạch và lau khô lá chuối hoặc khuôn làm giò xào. Nếu dùng chai nhựa, bạn hãy đem chai rửa thật sạch, cắt bỏ phần đầu chai và đục vài lỗ nhỏ phần dưới đáy chai để thoát khí khi gói giò xào.

Cách chế biến giò xào thịt:

Bước 1: Ướp gia vị

  • Thịt heo sau khi thái nhỏ thì cho vào một tô đựng.
  • Tiếp đến bạn cho một ít nước mắm, hạt nêm, tiêu vào và trộn đều. Ướp trong khoảng 20 – 30 phút để thịt ngấm gia vị.

Bước 2: Xào nguyên liệu

  • Đun nóng chảo, cho một ít dầu ăn vào và phi thơm hành tím băm.
  • Tiếp đến bạn cho thịt, lưỡi và tai heo đã ướp vào chảo.
  • Đảo đều tay đến khi nguyên liệu chín thì cho mộc nhĩ và nấm hương thái nhỏ vào xào tiếp. Sau khoảng 2 phút nữa thì tắt bếp, rắc tiêu vào và trộn đều.

Bước 4: Gói giò xào thịt

  • Gói giò bằng khuôn hoặc chai nhựa: Cho tất cả nguyên liệu vừa xào xong vào khuôn. Dùng thìa ấn và nén thịt cho thật chặt sau đó cố định khuôn.
  • Gói giò xào bằng lá chuối: Lá chuối trước khi gói nên hơ qua thật nhanh trên lửa nhỏ để lá chuối mềm và dễ gói hơn. Kế đến, bạn đổ nguyên liệu vừa xào lên lá chuối, gói lại và dùng dây nilon hoặc dây chuối để buộc chặc lại. Trong khi gói, bạn nên nén chặt và chỉnh cho cây giò thẳng, không bị lệch.
  • Sau khi hoàn tất, bạn đợi giò nguội thì mang cất vào tủ lạnh. Sau khoảng 3 – 5 tiếng là có thể lấy ra dùng được ngay.

    Giò thủ có thể gói bằng khuôn hoặc gói bằng lá chuối
    Giò thủ có thể gói bằng khuôn hoặc gói bằng lá chuối. Ảnh Internet.

2. Cách làm giò xào chay

Giò xào chay có các công đoạn thực hiện tương tự như giò xào thịt. Chỉ khác ở thành phần nguyên liệu chế biến là hoàn toàn phù hợp với cả những người ăn chay. Vào dịp Tết, sẽ có rất nhiều nhà ăn chay hoặc có khách đến thăm là người ăn chay. Món giò xào chay hấp dẫn này hoàn toàn phù hợp với những dịp như thế.

Nguyên liệu:

  • 200 gram nấm sò
  • 150 gram nấm nâu
  • 150 gram nấm đùi gà
  • 30 gram mộc nhĩ
  • 3 gram bột rau cau giòn
  • 5 gram bột rau câu dẻo
  • 1 nhánh hành ba rô (tỏi Tây)
  • Hạt nêm chay
  • Các loại gia vị thông thường
  • Khuôn gói giò xào chay

Cách làm giò xào chay:

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Ngâm mộc nhĩ trong nước muối ấm khoảng 3 – 5 phút sau đó rửa sạch. Cắt bỏ phần gốc, thái mộc nhĩ thành sợi nhỏ.
  • Tiếp đó, bạn thái sợi thân nấm đùi gà, đầu nấm thái mỏng.
  • Nấm nâu thái lát mỏng còn nấm sò thì bạn xé nhỏ ra.
  • Nhánh hành ba rô thái nhỏ.
  • Trộn 5 gram bột rau câu dẻo và 3 gram bột rau câu giòn. Cho thêm một bát nước vào và khuấy đều.

    Nấm sau khi rửa sạch thì thái thành sợi nhỏ
    Nấm sau khi rửa sạch thì thái thành sợi nhỏ. Ảnh Internet.

Bước  2: Xào nguyên liệu

  • Cho một ít dầu ăn vào chảo nóng. Phi thơm hành ba rô rồi cho lần lượt nấm nâu, nấm đùi gà và nấm sò vào chảo, đảo đều tay.
  • Đợi nấm bắt đầu ra nước, bạn cho 2 thìa hạt nêm chay, một thìa cà phê đường, một ít muối và một ít bột ngọt vào. Tiếp tục xào cho đến khi nấm gần chín thì cho hết mộc nhĩ vào xào chung.
  • Cho tiếp hỗn hợp rau câu vào xào, đảo liên tục để rau câu hòa lẫn vào nấm và không bị vón cục.
  • Cho thêm một thìa cà phê nước tương vào và tắt bếp. Sau đó rắc chút tiêu cho thơm và trộn đều.

Bước 3: Gói giò xào chay

  • Sau khi xào xong, cho hỗn hợp còn đang nóng vào khuôn làm giò. Dùng thìa hoặc tay nén chặt để giò được định hình. Cho giò vào tủ lạnh trong 3 – 5 tiếng là có thể lấy ra thưởng thức.
  • Ngoài cách gói bằng khuôn làm giò, bạn cũng có thể gói bằng lá chuối hoặc chai nhựa. Cách giói tương tự như gói giò xào thịt.

    Các bước chế biến và gói giò xào chay
    Các bước chế biến và gói giò xào chay. Ảnh Internet.

3. Chế biến nước chấm cho món giò xào

Không phải nước chấm nào cũng thích hợp dùng kèm với giò xào chay. Dưới đây là cách làm nước chấm có thể dùng được cho cả món giò thịt và giò chay để món ăn thêm đậm đà hương vị.

Nguyên liệu:

  • 2 thìa canh nước mắm cay
  • 1 tép tỏi
  • 1 quả ớt trái (tùy vào mức độ ăn cay)
  • 1/2 thìa cà phê đường
  • 1/2 thìa cà phê tiêu
  • 2 thìa cà phê nước chanh

Cách chế biến:

  • Rửa sạch ớt và bóc vỏ tỏi. Cho cả tỏi và ớt vào chén sau đó đập dập.
  • Tiếp đến cho đường, tiêu và chanh vào rồi trộn đều.
  • Cuối cùng, cho 2 thìa nước mắm vào và khuấy đều cho đến khi đường tan.
Chế biến nước chấm ăn kèm cùng giò xào để món ăn thêm đậm đà
Chế biến nước chấm ăn kèm cùng giò xào để món ăn thêm đậm đà. Ảnh Internet.

4. Mẹo chế biến và bảo quản giò xào

  • Dù là làm giò thịt hay giò chay thì cũng không nên xào quá lâu. Vì nếu nấu quá lâu, giò sẽ dễ bị khô và cứng, khiến cho món giò kém ngon mà còn khó tạo hình khi gói.
  • Vị của mỗi cây giò xào ngon dở khác nhau là do trong quá trình xào, bạn nêm nếm như thế nào. Gia vị cần được thêm vừa phải thì món giò mới đậm đà và ngon miệng.
  • Nên gói giò xào khi còn nóng vì lúc này hỗn hợp giò vẫn còn độ kết dính. Khi gói giò cần nén chặt tay để giò giòn dai và không bị bở. Ngoài ra, gói giò chặt còn giúp cây giò được bảo quản tốt và lâu hơn.
  • Một cây giò ngon sẽ có độ giòn và dai vừa phải, không bị quá khô hay bị nhão. Nếu là giò thịt thì phải có mùi thịt thơm, tương tự là mùi nấm thơm nếu là giò xào chay. Giò khi ăn không quá ngấy mà có độ béo ngọt vừa phải.

Với cách làm giò xào trên đây cùng một chút sự khéo léo, Cachlam.com.vn tin rằng bạn sẽ thành công khi chế biến món ăn này. Tết đang đến gần, hãy mạnh dạn thử làm một món ăn dâng cúng tổ tiên và cho cả gia đình biết “tay nghề” nấu nướng của bạn đi nào. Chúc bạn cùng gia đình có một mùa xuân vui tươi bên mâm cơm rộn tiếng cười!

Nguyễn Diệp tổng hợp