Mứt tắc không còn là món ăn quá xa lạ với người dân Việt. Đặc biệt trong các ngày lễ, Tết thì màu vàng được ưa chuộng hơn cả vì theo quan niệm của người Việt, màu vàng mang lại nhiều may mắn, tiền bạc, của cải. Vì vậy mứt tắc là sự lựa chọn của hầu hết gia đình Việt dùng để đón khách. Bài viết sẽ chia sẻ các Cách làm mứt tắc đơn giản mà bất kì ai cũng có thể tự làm tại nhà.
1. Cách làm mứt tắc truyền thống
Nguyên liệu:
- 1kg tắc
- 500 – 700gam đường cát trắng
- Muối tinh
- 20gam vôi tôi
- 1 thìa nhỏ phèn chua
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Nên chọn những trái đã chín mọng, màu vàng đậm, trái to đều da căng bóng để sản phẩm mứt của chúng ta sẽ cho màu vàng đẹp hơn
- Sau khi mua tắc về, rửa thật kĩ với nước sạch. Sau đó ngâm tắc với nước muối pha loãng khoảng 15 – 20 phút rồi rửa lại lần nữa. Sau đó vớt ra rổ cho ráo nước.
Bước 2: Khứa tắc
- Dùng mũi dao nhọn để khứa từ 4 – 5 đường trên thân tắc tạo thành những cánh hoa cách đều nhau. Dùng tay ép nhẹ hai đầu quả tắc để bỏ bớt nước tắc và loại bỏ hết hạt tắc.
Bước 3: Ngâm tắc với nước vôi trong
- Lấy 20gam vôi tôi đã chuẩn bị từ trước hòa tan vào 1 thau nước lớn. Sau 1 thời gian khi vôi lắng xuống, chắt lấy nước vôi bên trên vào 1 thau sạch khác. Sau đó cho tắc đã khứa vào ngâm từ 4-5 tiếng rồi vớt ra rửa sạch nhiều lần bằng nước sạch. Bước này bạn cần chú ý rửa thật kĩ để tránh mùi nồng của vôi còn bám trên tắc.
- Lưu ý: Nên chú ý vào liều lượng nước vôi trong, tránh cho quá nhiều sẽ làm cho mứt bị nồng mùi vôi.
Bước 4: Chần tắc qua nước sôi
- Nấu 1 nồi nước sôi và cho số phèn chua đã chuẩn bị vào đun sôi tầm 3 – 5 phút. Tiếp theo cho tắc vào để sôi tiếp thêm 5 phút rồi tắt bếp. Sau đó vớt nhanh số tắc đã chần ra và rửa lại qua nước sạch một lần nữa.
Bước 5: Ướp tắc
- Ướp tắc đã chuẩn bị ở bước trên với đường cát trắng theo tỉ lệ một lớp tắc đến một lớp đường. Ướp hỗn hợp trong vòng 30 – 60 phút để đường ngấm đều vào quả tắc.
Bước 6: Sên mứt
- Sau khi đường đã ngấm hoàn toàn vào tắc thì cho hỗn hợp vào một chảo lớn. Mở lửa to để hỗn hợp sôi lăn tăn sau đó giảm lửa nhỏ và sên mứt đều tay tránh để mứt bị vỡ. Khi thấy lớp đường dẻo và keo lại bám đều vào quả tắc, miếng mứt chuyển thành màu vàng óng ánh thì tắt bếp.
Bước 7: Phơi mứt và bảo quản
- Gắp từng miếng mứt ra phơi khô trên vỉ. Có thể dùng lò nướng để sấy khô mứt hoặc đem hong khô ngoài trời nắng cho tới khi thấy mứt khô như ý muốn thì đem bảo quản trong lọ thủy tinh có đậy nắp kín. Việc bảo quản trong hộp thủy tinh kín giúp cho tắc được sử dụng lâu hơn.
Cách làm mứt tắc truyền thống này sử dụng tắc nguyên trái nhưng sau khi trải qua các bước sơ chế cũng như ngâm với phèn chua thì sản phẩm mứt sẽ không hề bị đắng mà còn dẻo thơm. Mứt có vị chua nhẹ của tắc, ngọt thanh của đường cát trắng. Đây chắc hẳn sẽ là món mứt được tranh giành nhất Tết này đây.
2. Cách làm mứt tắc xắt sợi (Mứt tắc xí muội mật ong)
Nguyên liệu:
- 1kg tắc tươi
- 500gam đường vàng
- 250ml mật ong nguyên chất
- Muối
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Rửa tắc qua nhiều lần với nước sạch. Sau đó cho tắc vào ngâm với hỗn hợp nước muối pha loãng. Sau 1 tiếng thì vớt ra rửa lại qua nước sạch thêm 1 lần nữa rồi đổ ra rổ để ráo nước.
- Cắt đôi quả tắc, vắt hết nước tắc ra một cái tô sạch lọc qua rây loại bỏ hạt tắc và để riêng.
- Tiếp theo, bóc bỏ phần ruột tắc còn phần vỏ đem xắt sợi mảnh cho vào 1 cái tô sạch.
Bước 2: Ngâm vỏ tắc với nước muối
- Cho phần vỏ tắc đã xắt sợi mảnh vào ngâm khoảng 2 tiếng trong nước muối pha loãng. Bước này làm cho món mứt tắc xí muội không bị đắng.
Bước 3: Ướp tắc
- Vớt vỏ tắc ra rửa sạch với nước và vắt cho khô. Tiếp theo, lấy phần nước cốt tắc đã vắt ở Bước 1 đun sôi với 500gam đường vàng. Khi hỗn hợp sôi, cho tiếp số vỏ tắc đã vắt khô vào đun sôi.
- Nấu hỗn hợp trên bếp với lửa nhỏ trong khoảng 40 – 45 phút cho đến khi thấy nước cạn dần, sệt lại, vỏ tắc có màu trong và mềm hơn. Lúc đó đường đã tan hết thì tiếp tục cho mật ong vào, hạ lửa thật nhỏ và đảo đều tay để hỗn hợp hòa quyện vào nhau. Đun sôi khoảng 5 phút thì tắt bếp.
Bước 4: Bảo quản
- Để nguội hỗn hợp rồi cho vào lọ thủy tinh có nắp đậy kín bảo quản lạnh hoặc để ở nơi thoáng mát để sử dụng được lâu. Nếu bảo quản lạnh thì mứt sẽ ngon hơn. Với Cách làm mứt tắc xí muội mật ong này, gia đình bạn sẽ có thêm một món lạ miệng đãi khách mùa Tết sắp tới rồi đấy.
3. Cách làm mứt tắc xanh không cần vôi và phèn chua
Nguyên liệu:
- 1kg tắc xanh
- 200gam đường cát trắng hoặc đường phèn
- Muối
- 1 thau nước đá lạnh
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế tắc xanh mà không cần vôi và phèn chua
- Tắc xanh là những quả chưa chín thế nên lớp vỏ xanh của chúng sẽ nhiều dầu hơn và cũng sẽ đắng hơn so với lớp vỏ vàng của trái tắc đã chín. Thế nên, sau khi rửa sạch bạn dùng dao nhỏ gọt nhẹ 1 lớp vỏ xanh bên ngoài đi.
- Sau đó, tương tự như cách làm đối với tắc chín, dùng dao khứa nhẹ để tạo thành những cánh hoa và ép nhẹ hai đầu để nước bỏ bớt nước và hạt tắc.
Bước 2: Ngâm tắc
- Đem những trái tắc đã khía cho vào 1 cái thau nước lớn sau đó cho muối vào pha loãng. Ngâm tắc ngập trong hỗn hợp nước muối loãng qua đêm. Thao tác này sẽ làm cho món mứt của chúng ta sẽ giảm bớt vị đắng và chát cùng như là ngấm đường dễ dàng hơn.
Bước 3: Ướp tắc
- Sau 1 đêm, đem tắc đã ngâm rửa sạch với nước 1 lần nữa. Sau đó, cho tắc vào trụng sơ khoảng 3 phút trong nồi nước sôi có pha loãng muối. Hết 3 phút vớt nhanh tắc ra và bỏ ngay vào thau nước đá lạnh đã chuẩn bị từ trước. Khi tắc đã nguội hẳn và sờ thấy cứng hơn thì vớt ra và để ráo nước.
- Bước tiếp theo, cho đường vào ướp cùng với tắc trong 1 cái thau lớn có bọc màng bọc thực phẩm. Để hỗn hợp trong vòng 1 tiếng để đường tan và ngấm đều vào tắc.
Bước 4: Sên mứt
- Khi đường đã ngấm vào tắc thì đem hỗn hợp đó lên bếp đun sôi với lửa nhỏ. Đảo nhẹ và liên tục để nước ngấm vào tắc và để mứt của chúng ta vàng đều không bị cháy. Đường tan và dần sệt lại, mứt tắc dần chuyển màu, vỏ tắc trong hơn và cảm giác dẻo hơn thì tắt bếp.
- Xếp mứt vừa sên lên đều trên khay rồi đem đi sấy bằng lò nướng hoặc hong khô ngoài trời khoảng 2 nắng thì sẽ khô hẳn. Lúc này các bạn có thể đem chúng bảo quản trong hũ thủy tinh hoặc túi kín đặt ở nơi có nhiệt độ thường thoáng mát.
Cách làm mứt tắc xanh đơn giản này hứa hẹn sẽ là món ăn kích thích vị giác của gia đình bạn trong những lần sum vầy gia đình cùng đón năm mới.
4. Một số tác dụng của quả tắc
- Quả tắc hay còn gọi là quả Quất. Chúng ta hoàn toàn có thể ăn nguyên trái không cần bỏ bất kì phần nào kể cả vỏ tắc. Bởi vì, lớp vỏ của quả tắc có vị khá ngọt và rất dễ ăn. Từ đó góp phần gia tăng thêm độ ngọt cho hương vị tổng thể của quả tắc. Đồng thời giúp cân bằng được vị chua của phần thịt tắc.
- Trà tắc chắc còn không xa lạ gì với giới trẻ hiện nay. Trái tắc có mùi thơm, tính ấm, vị chua ngọt, vỏ có tinh dầu thơm cay. Có công dụng thanh nhiệt, tiêu thực trừ đờm. Rất tốt trong việc giải nhiệt và hỗ trợ cho hệ hô hấp. Có thể chữa ho, long đờm, dùng để điều trị ho cho trẻ em rất hiệu quả.
- Nguồn cung cấp chất xơ trong quả tắc là rất cao. Nên việc thường xuyên dùng tắc sẽ giúp cho hệ tiêu hóa của chúng ta khỏe mạnh hơn, tránh tình trạng đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu,…
- Quả tắc luôn giàu vitamin C – dưỡng chất tuyệt vời có tác động tích cực đến sức khỏe của cơ thể. Cung cấp đầy đủ vitamin C mỗi ngày giúp bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh thông thường gây ra bởi vi khuẩn, virus và khuẩn nấm. Đồng thời thúc đẩy sự phục hồi của cơ thể một cách nhanh chóng chỉ bằng những quả tắc nhỏ này.
- Thêm nữa, tắc chính là một thiên sứ đối với làn da của chúng ta. Quả tắc giàu chất chống oxy hóa sẽ giúp cho làn da luôn căng bóng,mịn màng và khỏe mạnh.
- Hơn nữa, chất chống oxy hóa, vitamin C và các khoáng chất khác còn giúp bảo vệ mái tóc chắc khỏe từ bên trong.
- Quả tắc còn có khả năng ngăn ngừa tình trạng thoái hóa điểm vàng mắt liên quan đến lão hóa. Việc hấp thụ đầy đủ dưỡng chất có trong quả tắc giúp cải thiện được thị lực, ngăn ngừa quá trình lão hóa mắt,…
Hi vọng những cách làm mứt tắc trên đây sẽ giúp cho các bạn có thể tự làm mứt tắc đủ kiểu tại nhà cực ngon mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe gia đình. Giúp cho đĩa mứt Tết của gia đình bạn thêm phong phú. Chúc các bạn thực hiện thành công!
Hà Vy tổng hợp