1. Những loại hoa nên cắm trên bàn thờ ngày Tết
Trước khi muốn sở hữu được khả năng cắm hoa bàn thờ ngày Tết sáng tạo và ý nhị, bạn cần hiểu được rằng ý nghĩa của những loại hoa mà người ta thường sử dụng trong việc thờ cúng rất quan trọng. Bởi nếu chọn nhầm loại hoa đại diện cho sự u ám, tang thương thì sẽ ảnh hưởng đến vận khí của nhà bạn. Vì vậy, đừng bỏ qua những gợi ý mà chúng tôi trình bày dưới đây.
1.1. Hoa sen
Trong Phật giáo, hoa sen được biết đến với với sự thuần khiết, thức tỉnh và trung thành. Bởi dù mọc lên tại nơi bùn lầy song lại giữ được thân sen trong sạch và tỏa hương thơm ngát. Trong thần thoại Ai Cập, hoa sen được xem như một dấu hiệu của sự tái sinh, với việc phá vỡ bề mặt nước mỗi buổi sáng cũng gợi lên ước muốn vươn lên đón ánh mặt trời. Điều này được liên tưởng đến sự giác ngộ hoặc khả năng nhận ra Phật tính của con người.
Hoa sen có nhiều màu khác nhau. Hoa sen xanh biểu tượng cho trí tuệ và kiến thức. Hoa sen trắng thì đại diện cho trạng thái tinh thần đầy thanh tịnh. Hoa sen hồng tượng trưng cho sự tối cao, sự nhiệm màu của cuộc sống. Vì thế, để thể hiện lòng tôn kín, sự chân thành, người ta thường chọn hoa sen để dâng lên bàn thờ Phật.
1.2. Hoa cúc vàng
Hoa cúc vàng mang trong mình rất nhiều ý nghĩa khác nhau như lòng hiếu thảo, sự trường tồn vĩnh cửu hay là biểu tượng của sự sống, phúc lộc và may mắn. Không chỉ sắm vài chậu cúc chưng trước sân nhà vào năm mới, gia đình nào cũng chuẩn bị hẳn một bình hoa cúc lớn dâng cúng bàn thờ tổ tiên hay bàn thờ Phật. Hương thơm của hoa nhè nhẹ mang đến sự dễ chịu. Nên đây là sự lựa chọn hoàn hảo để bày trí ngày Tết.
1.3. Hoa huệ
Huệ trắng hiển nhiên cũng là một biểu tượng của sự tinh khiết. Không chỉ có Phật giáo, nhiều người công giáo thường dùng hoa huệ trưng bày để tỏ lòng thành kính với Đức mẹ đồng trinh. Huệ có sọc hồng thì mang tính khích lệ. Nó hướng con người đến niềm tin vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống. Hoa huệ vàng tượng trưng cho sức khỏe tốt và sự hồi phục. Trong khi huệ đỏ là “tiếng nói” của hạnh phúc và rất phù hợp để trưng vào dịp thành hôn ngày xuân, lúc hai bên gia đình làm lễ trước bàn thờ tổ tiên. Mùi hương không quá gắt, hình dáng lại trang nhã, nên đây là dòng hoa mà mọi người ưu tiên lựa chọn dâng cúng vào năm mới.
1.4. Hoa hồng
Hoa hồng vốn dĩ được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loài hoa. Đặc biệt, là loại hoa có màu đỏ tươi, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt. Nếu không mua được những nhành hoa đỏ như ý, bạn có thể chọn với gam màu hồng thay thế. Chỉ cần sắp xếp bố cục bình hoa tinh tế một chút khi đặt trên bàn thờ Phật thì sẽ mang lại năm mới đầy sung túc cho gia đình.
1.5. Hoa mai vàng
Nhắc đến các loại hoa dùng để thờ cúng Tết ở miền Nam thì không thể thiếu hoa mai vàng. Bên cạnh thú chơi mai với cách tạo gốc cổ thụ và uốn cành hoành tráng trong chậu to, thì người ta còn chiết các nhánh mai ra bình riêng để dâng lên bàn thờ. Hoa mai có 5 cánh, tượng trưng cho ngũ phúc. Thứ nhất là vui vẻ, thứ hai là hạnh vận, thứ ba là trường thọ, thứ tư là hanh thông và thứ năm là ân hòa. Theo quan niệm của các cụ xưa, nhà nào trồng và chưng giống hoa mai 7 cánh thì sẽ gặp đại cát đại quý trong năm đó. Với kỹ thuật gieo trồng hiện đại giờ đây, không khó để bạn bắt gặp được hình ảnh hoa mai với nhiều cánh.
1.6. Hoa đào
Cũng như hoa mai, hoa đào cũng là một biểu trưng cho ngày xuân. Thường chỉ được vun trồng ở khí hậu lạnh như miền Bắc. Trong phong thủy, hoa đào là tinh hoa của ngũ hành. Nó có thể xua đuổi ma quỷ và mang đến một cuộc sống bình an cho mọi người. Hoa đào còn tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Nếu bạn vừa muốn không khí trong nhà ấm cúng, đồng thời thể hiện sự kính trọng với tổ tiên thì hãy chưng hoa đào.
2. Chọn lọc các cách cắm hoa bàn thờ ngày Tết đẹp
2.1. Hướng dẫn cách cắm hoa bàn thờ ngày Tết bằng hoa sen trắng
Số lượng hoa lá cần cắm
Với sen trắng, để trang trí cho thật nhã nhặn mà không bị rườm rà, bạn cần chọn 2 cành sen búp với 2 độ dài ngắn khác nhau. Cộng thêm đó là 1 cành sen có độ nở vừa, không nở bung để chưng lâu trong Tết. Ngoài ra, bạn nên dùng thêm 2 gương sen nữa. Về phần lá, bạn chỉ cần sử dụng mấy nhánh tùng thơm cùng trầu bà bản to kèm thêm vài nhánh ruột mây mà thôi.
Cách cắm hoa bàn thờ Phật ngày Tết tinh gọn
- Tận dụng thế cong tự nhiên của sen, bạn cắm 1 cành sen búp dài nhất trước vào bình đã có sẵn khối mút.
- Kế tiếp, cắm cành thứ 2 thấp hơn 2/3 cành đầu tiên. Cành sen nở thì bạn cắm sau cùng và cắm thấp gần sát dưới khối mút.
- Gắn thêm 2 cành gương sen cạnh bên hàng sen búp cũng theo kiểu một cành cao, một cành thấp. Trên 1 bình hoa, chỉ có hoa sen là thể hiện rõ nhất về quá khứ, hiện tại đến tương lai. Hoa búp trên cùng đại diện cho tương lai. Hoa nở tượng trưng cho hiện tại. Gương sen cạnh bên đại diện cho quá khứ.
- Cắm lá trầu bà đã cắt tỉa tròn để giả lá sen, vòng quanh miệng bình.
- Bạn tiếp tục xếp khoảng 3 nhánh tùng thơm chen giữa thân sen búp, nhánh cao nhánh thấp và quanh đóa sen nở. Vậy là bạn sẽ lấp đi phần trống của khối mút. Uốn cong các ruột mây cắm xuống bình nữa để tạo thành vài vòng cung thì bạn đã hoàn tất.
2.2. Chia sẻ mẫu cắm hoa cúc vàng với dạng bình miệng rộng
Những vật liệu cắm hoa
Trước khi bạn cắm hoa, bạn phải kê mút xốp đã thấm nước vào bình. Chiều cao của xốp qua khỏi miệng bình ít nhất là 2 cm. Đối với sắc hoa sáng thì bạn nên chọn loại bình tối màu và ngược lại. Với cách cắm hoa này, ngoài 5 hoa cúc vàng, bạn cần dùng thêm phần lá trúc đốm, tùng đuôi chồn, lá nguyệt quế. Bên cạnh đó, thủy trúc và vài nhánh chuỗi ngọc cũng là “trợ thủ đắc lực” mang đến cho bạn bình hoa đẹp.
Thứ tự cắm hoa
- Đầu tiên, bạn cắm 5 nhánh thủy trúc lên bình theo hàng ngang. Các nhánh thủy trúc đều cao bằng nhau và hướng thẳng đứng. Bạn không cắm giữa bề mặt mút mà tạo hàng ngang sát ở 1 mép cạnh mút. Tức là khi cắm hoa vào thì hàng thủy trúc này nằm ở vị trí phía sau hoa cúc.
- Bạn cắm 1 bông hoa cúc sát mép cạnh mút đối diện với hàng thủy trúc. Khu vực trung tâm gần, bạn cắm thêm 1 bông hoa có chiều cao nhỉnh hơn một chút. Cắm thêm 1 bông cạnh bông ở trung tâm với độ cao thấp nhất tạo thành nhóm hoa mặt tiền có khoảng cách không quá cao so với miệng bình. Bạn tiếp tục cắm thêm 2 nhánh cúc vàng cao ở gần sát hàng ngang thủy trúc. Nhánh hoa sau thấp hơn nhánh hoa trước chút xíu sẽ tạo bố cục nền cho 3 bông hoa đầu cân xứng.
- Gắn vào mấy nhánh tùng đuôi chồn sang 1 bên, tỉa lá trúc đốm thành răng cưa nhọn để tạo dáng lá ấn tượng hơn.
- Cắm đan xen cao thấp lá trúc đốm che đi mặt trước mút xốp. Phần mặt sau bạn chọn lá nguyệt quế để che lấp mặt mút dư.
- Bên cạnh hoa chính, bạn cắm xen lẫn thêm những nhánh chuỗi ngọc đỏ để tạo thành hoa phục cho hài hòa là được.
2.3. Cách cắm hoa bàn thờ ngày Tết với hoa hồng có cánh màu trắng viền hồng
Các loại lá kết hợp với hoa hồng cần dùng
Không nổi bật sẵn như hoa hồng đỏ nhưng kết cấu hoa hồng có cánh trắng viền hồng cũng hút mắt người nhìn không kém. Muốn tạo dựng cho bình hoa hồng tràn đầy sức sống và sự tươi tắn thì bạn cần dùng 8 bông hoa hồng. Về phần lá, thay vì dùng lá xanh như thường lệ thì bạn chọn ra 4 chiếc lá ráng ổ phụng rồi sơn nhũ đồng. Bạn chuẩn bị thêm 5 nhánh thủy trúc cũng sơn nhũ đồng. Và cuối cùng là vài nhánh lá tùng kim với phần lá được giữ nguyên vẹn sắc xanh.
Những bước cắm hoa cụ thể
- Thoạt đầu, bạn luôn phải chuẩn bị sẵn một cái bình với chiều cao tương đối và phần miệng rộng vừa. Đặt mút đã tẩm nước vào lên bình.
- Tỉa bớt 2 bên lá ở phần gốc của 2 lá ráng ổ phụng tạo hình thân nhọn và cứng để cắm vào mút.
- Cắm lá ráng ổ phụng thứ nhất hướng thẳng đứng, lá thứ hai thấp hơn, chỉ cách khoảng 3 cm.
- Sau đó, bạn ghim phần gốc lá thứ 3 xuống mút. Uốn cong thân lá và cố định ngọn lá lại bằng que tre nhọn. Vì ngọn lá mềm hơn, nên không cắm xuống mút được.
- Tương tự, bạn cắm lá thứ 4 với tạo hình uống cong nhưng thấp và chếch một bên so với lá thứ 3.
- Tiếp theo, bạn cắm hoa 4 hoa hồng xung quanh khe lá giữa 2 vòng cung. Cắm thêm 3 bông hồng hướng thẳng đứng với độ cao thấp khác nhau ở sát 2 lá ráng ổ phụng đầu tiên.
- Phần lan chi bạn cũng cắm gốc xuống trước. Uốn cong thân và xiên que tre vào ngọn lá rồi cắm xuống mút như từng làm với lá ráng ổ phụng. Bố trí các vòng lá lan chi nằm sang 1 bên. Điểm thêm những nhánh tùng kim để lấp đi khối mút, cắm xen kẽ cao thấp là hoàn chỉnh.
1.4. Bật mí cách cắm hoa huệ trắng để trên bàn thờ
Có nên kết hợp cắm hoa huệ với loại hoa khác?
Hoa huệ trắng có đặc điểm mọc thành đóa nhỏ và mọc chi chít theo chiều dọc của cành, Do vậy không cần cắm chung với các loại hoa khác, bình hoa bạn cũng đủ đẹp và hoành tráng. Bạn chỉ cần chuẩn bị mấy nhánh lá tùng thơm tạo thêm sắc xanh dịu mát là ổn.
Cách thiết kế bố cục bình hoa huệ trắng
- Khi chọn hoa huệ, bạn cần chọn những cành có thân thẳng đứng không xiêu vẹo. Bạn cắm 1 cành làm tâm trên mút xốp nhưng lui vế mép cạnh mút hướng ra sau bàn thờ.
- Sau đó, bạn cắm thấp hơn cành đầu tiên bằng 2 cành huệ khác theo hướng đối xứng. Thực hiện với 4 cặp cành huệ còn lại cũng đối xứng nhau và hạ thấp dần.
- Vậy là bạn có khung sườn tạo hình tam giác. Cắm thêm cành huệ làm tâm ở vị trí phía trước cùng với các cắp huệ trắng tỏa 2 bên như ban đầu.
- Cắm lặp lại hàng kế tiếp với chiều thấp hơn hàng trước đó cho đến hết bó huệ. Bạn chỉ cần lấp lại các khoảng trống của mút xốp với lá tùng thơm thì đạt yêu cầu.
1.5. Mách nhỏ cách cắm hoa bàn thờ ngày Tết với hoa mai và hoa đào
Với hoa đào và hoa mai, tự thân nó đã có những dáng cành rất độc đáo. Quan trọng là trước khi chiết cành sang bình đựng, gia chủ đã dày công chăm sóc cho những chậu mai trong vườn nhà mình thật kỹ lưỡng. Bạn nên chọn những cành có nụ hoa nở vừa phải, không cần cắm với bình có mút xốp. Cắm ở dạng tỏa bung tự nhiên hoặc chỉ dùng một nhánh cây đơn thuần với độ cong nhất định.
Theo dõi đến đây, ắt hẳn nghệ thuật cắm hoa bàn thờ ngày Tết bây giờ đã không còn là vấn đề quá phức tạp đối với chị em rồi đúng không nào? Chỉ cần bạn luôn đặt mình trong tâm thế sẵn sàng trau dồi nhiều kiến thức mới lạ và bổ ích thì tài nghệ “nữ công gia chánh” sẽ ngày càng cải thiện. Bạn đừng quên tìm đến các tiệm hoa uy tín và giá cả phải chăng để có những cành hoa thơm và đẹp nhất dâng cúng tổ tiên dịp đầu năm nhé!
Bảo Tiên tổng hợp