Cách làm củ kiệu ngày Tết giòn ngon cũng cần bí quyết nữa nhé. Củ kiệu vốn là món ăn dân dã, bình dị làm cho mâm cơm gia đình càng thêm đậm đà, tinh tươm mỗi khi Tết đến xuân về. Món này thường được ăn kèm với bánh chưng, bánh tét nhân thịt, cơm thịt kho tàu…Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn chi tiết về cách ngâm dưa kiệu, nào cùng tham khảo các chị em nhé!
1. Cách làm củ kiệu ngâm nước mắm đường ngày Tết truyền thống không cần phèn chua
Cách làm củ kiệu ngày Tết ngâm nước mắm đường với vị chua ngọt dịu nhẹ, không gắt. Do đó, kiệu rất thích hợp ăn chung với bánh tét, bánh chưng hay cơm nóng cùng các món mặn. Dưa kiệu ngâm vừa giúp “chống ngán”, vừa làm tăng thêm hương vị đậm đà cho các món ăn ngày Tết mà bạn thưởng thức.
1.1. Nguyên liệu
- Củ kiệu tươi: 500 gram
- Giấm ăn, muối
- Nước mắm: 150 ml
- Đường: 200 gram
- Các dụng cụ nhà bếp cần thiết
1.2. Hướng dẫn cách làm củ kiệu ngày Tết không cần phèn chua tại nhà
1.2.1. Các bước sơ chế củ kiệu
- Củ kiệu đem ngâm nước muối loãng tầm 2 tiếng, rửa cho sạch lại.
- Cắt bỏ rễ và ngọn củ kiệu, thả vào thau nước pha chút muối, ngâm thêm 1 giờ, vớt ra phơi nắng cho héo.
- Phơi nắng xong, lột bỏ lớp vỏ bên ngoài của củ kiệu.
- Sau đó, ngâm kiệu qua giấm 10 phút cho trắng rồi vớt ra rổ, để ráo.
1.2.2. Nấu nước mắm đường và tiến hành ngâm củ kiệu
- Cho 200 gram đường và 150ml nước mắm vào chảo, đun nóng khuấy đều trên lửa nhỏ.
- Khi hỗn hợp nước mắm đường sôi lên và nổi bọt thì tắt bếp, để nguội.
- Xếp củ kiệu vào lọ thủy tinh, đổ hỗn hợp nước mắm đường vào rồi đậy kín và ngâm trong 7 – 10 ngày.
- Ngâm củ kiệu đủ ngày thì cho ra đĩa và thưởng thức sẽ rất ngon.
2. Cách làm củ kiệu ngâm đường chua ngọt ngày Tết bằng phèn chua
Cách muối củ kiệu ngâm đường ngon cần phải khéo léo và nhất là không nên cắt quá sâu ở phần gốc rễ. Nếu không, sẽ làm củ kiệu sau khi muối nhanh bị hư. Sử dụng phèn chua khi làm củ kiệu cũng sẽ làm cho kiệu được trắng và giòn ngon hơn. Phèn chua là một loại muối dạng tinh thể, không màu hoặc hơi đục, thường được ngâm với rau, củ, trái cây để làm tăng độ trắng, giòn cho sản phẩm. Cùng tham khảo công thức ngay sau đây.
2.1. Nguyên liệu
- 1 kg củ kiệu tươi
- 300 ml giấm ăn
- 250 – 300 gram đường trắng
- Phèn chua, muối hột
- Hũ thủy tinh
2.2. Hướng dẫn cách làm củ kiệu ngâm đường chua ngọt giòn ngon
2.2.1. Sơ chế củ kiệu
- Củ kiệu tươi đem ngâm với nước muối pha loãng tầm 12 tiếng. Sau đó rửa sạch lại củ kiệu nhiều lần, vớt ra rổ để ráo.
- Lấy phèn chua đập nhỏ, hòa tan với nước rồi đổ kiệu vào đem phơi nắng 2 – 3 giờ.
- Kiệu phơi xong lần 1 đem rửa lại cho sạch phèn chua, rải củ kiệu ra mẹt/ khay hoặc mâm, đem phơi nắng lần 2 cho ráo tầm 3 – 4 giờ.
- Kiệu sau khi phơi xong đem cắt rễ, ngọn, lột và lớp vỏ ngoài, rửa lại lần nữa cho sạch, vớt ra để ráo.
- Nhúng kiệu vào giấm, vớt ra để ráo cho kiệu lên men tốt hơn.
2.2.2. Cách nấu nước giấm đường làm củ kiệu ngâm chua ngọt ngày Tết
- Kiệu sau khi đã phơi ráo hoàn toàn cho vào một âu to để ướp đường.
- Lần lượt làm theo thứ tự: 1 lớp đường dưới đáy âu, xếp lên 1 lớp kiệu, cho tiếp 1 lớp đường rồi lại 1 lớp kiệu.
- Lặp lại thao tác như trên cho đến khi hết nguyên liệu rồi đậy kín âu lại, để 2 ngày cho kiệu ra nước và tự lên men.
- Sau 2 ngày, đường trong âu ngâm kiệu tan hết, gắp ra cho vào hũ thủy tinh rồi dùng nan tre gài lại phía trên.
- Đổ hết nước đường trong âu vào hũ, đậy kín rồi để nơi thoáng mát.
3. Cách làm dưa món củ kiệu ngày Tết trắng giòn, ngon vừa miệng
Dưa món củ kiệu là món ăn dân dã mang đậm nét đặc trưng của người miền Nam Trung Bộ. Vào những ngày Tết đến xuân về, hầu như mỗi gia đình đều không thể thiếu các món muối ngâm dưa món và củ kiệu, làm cho mâm cơm ngày Tết thêm vuông tròn hương vị. Vì thế, hãy “bỏ túi ngay” công thức kết hợp độc đáo với dưa món củ kiệu muối ngâm ngay sau đây.
3.1. Nguyên liệu
- Củ kiệu tươi: 1 kg
- Cà rốt: 2 củ
- Đu đủ xanh: nửa trái
- Ớt: 4 trái
- Hành lá
- Gia vị: nước mắm, đường trắng, muối…
3.2. Hướng dẫn cách làm củ kiệu ngâm mắm cùng dưa món chuẩn vị
3.2.1. Sơ chế các nguyên liệu rau củ
- Gọt vỏ đu đủ, cà rốt, cắt rễ kiệu, ngâm vào 1 lít nước lọc cùng 2 muỗng cà phê muối trong 30 phút.
- Sau khi ngâm rau củ xong, vớt ra rửa sạch và để ráo.
- Xắt đu đủ, cà rốt, và ớt thành những miếng nhỏ.
- Cho 1 muỗng cà phê muối vào thau chứa 2 lít nước rồi cho kiệu, đu đủ, cà rốt vào ngâm qua đêm.
- Rau củ ngâm xong, đổ ra rổ cho ráo nước.
- Tiếp theo, dàn đều rau củ trên khay/ mẹt hoặc mâm, đem phơi nắng 1 ngày cho héo vừa.
- Sau đó, khử trùng sau khi phơi bằng cách ngâm vào 1 lít nước pha với 1 muỗng cà phê muối, đảo đều khoảng 30 giây, vớt ra để thật ráo.
3.2.2. Đun hỗn hợp và ngâm củ kiệu với mắm
- Hòa tan nước lọc với 1 chén nước mắm và 1 chén đường, đun trên lửa nhỏ khoảng 15 – 20 phút cho hỗn hợp sệt lại.
- Chờ đến khi hỗn hợp nước mắm nguội thì hớt sạch bọt.
- Tiệt trùng lọ thủy tinh bằng nước sôi rồi lau khô, sau đó cho tất cả rau củ đã phơi héo và ớt vào lọ thủy tinh.
- Đổ hỗn hợp nước mắm vào lọ ngâm cho ngập tất cả các nguyên liệu.
- Dùng thanh tre đè lên trên để tránh cho kiệu bị nổi và tránh không khí lọt vào trong lọ.
- Sau 3 ngày, nước củ kiệu tiết ra sẽ làm loãng nước mắm, lúc này cần đổ nước mắm ra đun cho keo lại, để thật nguội và đổ lại vào lọ kiệu là xong.
4. Cách làm củ kiệu chua ngọt ngâm giấm đường không cần phèn chua
Vào những ngày Tết Nguyên Đán thì món củ kiệu ngâm chua ngọt không bao giờ là thiếu trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có những bí quyết riêng để muối củ kiệu. Cùng khám phá cách làm củ kiệu chua ngọt trắng giòn để được lâu mà không cần dùng phèn chua dưới đây.
4.1. Nguyên liệu
- Củ kiệu: 1 kg
- Đường trắng: 1 chén
- Giấm ăn: 1 lít
- Nước vo gạo: 2 lít
- Nước giấm đường
- Nước lọc: 1 lít
4.2. Hướng dẫn cách làm kiệu chua giấm đường đơn giản không cần phèn chua
- Cho vào thau nước 250 gram đường, ngâm củ kiệu khoảng 12 giờ, vớt ra rửa lại với nước.
- Tiếp tục cho củ kiệu ngâm với 500ml giấm ăn cỡ 4 – 8 giờ, sau đó vớt ra và ngâm với nước vo gạo lần nữa cho kiệu trắng và ngon hơn.
- Tiếp theo, cắt bỏ gốc – rễ – ngọn và lột vỏ ngoài của kiệu rồi xếp lên khay hoặc rổ để thật ráo nước.
- Pha nước ngâm củ kiệu: cho 500ml nước, 500ml giấm, 300 gram đường vào nồi, đun sôi hỗn hợp và tắt bếp để nguội.
- Khi hỗn hợp nước nguội, bạn xếp kiệu vào hũ và đổ nước ngâm kiệu vào, đậy nắp lại ngâm tầm khoảng 5 – 7 ngày ở nhiệt độ phòng là có thể thưởng thức.
- Để tăng thêm màu sắc cho món kiệu ngâm, bạn có thể cho thêm cà rốt tỉa hoa thái lát và ớt nguyên trái vào ngâm cùng cho đẹp.
Những cách làm củ kiệu ngày Tết khiến cho truyền thống ẩm thực của Việt Nam càng được tô đậm thêm nhiều sắc màu hết sức riêng biệt và độc đáo. Nhìn chung, công thức muối ngâm củ kiệu có vẻ đơn giản, nhưng muốn được giòn ngon và giữ trắng được lâu thì cần phải qua nhiều công đoạn chế biến và đủ thời gian lên men. Chúc các bạn sẽ thành công với những cách muối củ kiệu trắng đẹp, ăn giòn sần sật thật là tuyệt vời.
Bích Tuyền